Thúc đẩy giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới
Hiện toàn tỉnh Lâm Đồng có gần 1,3 triệu dân, với 43 dân tộc sinh sống; trong đó, đồng bào DTTS chiếm khoảng 24,1% (66.536 hộ với 309.636 người). Có 66 xã và 468 thôn có trên 20% người dân là DTTS. Tỷ lệ hộ nghèo ở các vùng DTTS trước đây rất cao. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây nhờ được bố trí đất sản xuất, vận động học nghề nên đời sống vật chất, tinh thần của người DTTS tại địa phương được cải thiện, cơ sở hạ tầng vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa từng bước được đầu tư, sản xuất có bước phát triển, tỉ lệ hộ nghèo ở vùng DTTS hàng năm giảm bình quân từ 5-7%.
Theo Đề án phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi đến năm 2020, được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt tại quyết định số 2117/QĐ-UBND thì những năm qua, Lâm Đồng đã hỗ trợ đất ở cho gần 2.000 hộ DTTS; Giải quyết đất sản xuất cho 2.463 hộ; Giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho trên 1.500hộ. Cùng với hỗ trợ bố trí đất ở, đất sản xuất, tỉnh Lâm Đồng còn đầu tư trên 6.400 giếng đào, hơn 1.100 bể chứa nước…
Từ nay đến năm 2020, Lâm Đồng tiếp tục tập trung các nguồn lực đầu tư, giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc về đời sống, sản xuất của người dân. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ DTTS nghèo (theo chuẩn đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020) so với tổng số hộ DTTS toàn tỉnh từ 2% đến 3%/năm. Chuyển đổi nghề cho trên 80% số hộ DTTS, hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn thiếu đất sản xuất; cơ bản giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ DTTS. Theo khảo sát thì hiện nay, Lâm Đồng còn 2.066 hộ DTTS thiếu đất ở, 1.083 hộ thiếu đất sản xuất. Số hộ này sẽ được giải quyết từ nay đến năm 2020.
Nhân lên những khát vọng
Từ khi được hỗ trợ học nghề, thỏa sức thực hành trên chính những thửa đất sản xuất được nhà nước hỗ trợ, khát vọng làm giàu lan tỏa đến hàng trăm thôn buôn đồng bào DTTS ở Lâm Đồng; ngày càng nhiều gương sáng thoát nghèo, làm giàu là người DTTS.
Ông K’Nham ở Buôn Bờ Lưng (xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm) bộc bạch: Trước đây có vài sào đất mà trót đẻ nhiều nên thiếu đất sản xuất. Bây giờ, nhà có 4 đứa con đều được chính quyền gọi đi học nghề trồng chè VietGap, trồng bơ VietGap miễn phí. Học xong, cán bộ còn đến tận vườn chỉ cho cách làm, sản phẩm làm ra đến đâu có người đến thu mua đến đó. Năm 2018 này, không riêng gì gia đình tôi mà hàng loạt hộ khác đều thoát nghèo rồi. Có đất, lại có nghề nữa thì an tâm làm ăn, xây dựng đời sống văn hóa mới thôi.
Tương tự, từ thiếu đất, thiếu đói, nhà bà Ka Nhung ở Buôn Han Ka (xã Lộc Bảo) cũng đã vươn lên từ diện tích 7 sào đất sản xuất được Nhà nước hỗ trợ. Bà Nhung chia sẻ. Có đất sản xuất lại được đào tạo nghề phù hợp nên cuộc sống chẳng những no đủ mà còn sắm được nhiều phương tiện nghe, nhìn hiện đại làm phong phú thêm cho đời sống tinh thần.
Tại huyện Đạ Tẻh, là huyện vùng sâu nhất của Lâm Đồng, chính quyền đã thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất tập trung nhóm hộ 5-15 hộ để trồng dâu và cao su. Hộ này giám sát hộ kia, nếu ai chây ỳ sẽ bị thu lại đất. Ông Lê Tiến Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Đức huyện Đạ Terh cho biết: Cán bộ phải sát cánh cùng bà con DTTS, phải làm cho họ hiểu mục đích chính sách hỗ trợ, cấp đất sản xuất và dạy nghề của Nhà nước thì sẽ triệt tiêu được hiện tượng bán đất sản xuất được cấp. Chính vì bám sát vận động nên hiệu quả sản xuất ngày càng được nâng cao, đất Nhà nước cấp phát huy tối đa hiệu quả”.
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng thì việc đào tạo nghề cho đồng bào DTTS được cấp đất rất được địa phương chú trọng. Trung bình mỗi năm tỉnh miễn giảm học phí cho trên 2.959 học sinh DTTS học nghề; đào tạo nghề cho khoảng 1.300 lao động là đồng bào DTTS, trong đó có trình độ cao đẳng, nghề ngắn hạn… Nhờ đó, đời sống của đồng bào DTTS tại địa phương ngày càng khởi sắc.
HÀ VĂN ĐẠO