Hiệu quả từ việc thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW
Gia đình anh Lê Thành Đồng, ở thôn Thuận Bắc, xã Thuận An, huyện Đắk Mil là một trong hàng nghìn hộ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Năm 2023, thông qua ủy thác Đoàn Thanh niên, anh được vay 100 triệu đồng của NHCSXH từ chương trình cho vay giải quyết việc làm. Có nguồn vốn, anh đầu tư cà phê. Hiện nay, mỗi năm anh thu 3,8 tấn/1 ha, sau khi trừ chi phí, thu về khoản 150 triệu đồng/1 ha. Nhờ thế, gia đình anh có thu nhập ổn định, tạo được việc làm cho lao động trong gia đình.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Thuận An Lê Xuân Đông, xã có trên 1.120 hộ dân được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH, với dư nợ hơn 41 tỷ đồng. Trong đó, hơn 30% hộ đồng bào DTTS được vay vốn ưu đãi, phát triển sản xuất. Có được kết quả này, cấp ủy, chính quyền xã chỉ đạo các chi bộ, ban tự quản thôn, buôn tăng cường công tác lãnh đạo, giám sát. Từ khâu bình xét, cho vay, sử dụng vốn vay đều bảo đảm đúng đối tượng.
Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil Lê Văn Hoàng khẳng định, tín dụng ưu đãi là một nguồn lực rất quan trọng, hỗ trợ địa phương trong quá trình giảm nghèo, phát triển kinh tế. Nhờ nguồn vốn ưu đãi, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm theo từng năm.
Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, tỉnh Đắk Nông đã triển khai đồng bộ các giải pháp giúp quy mô tăng trưởng tín dụng mở rộng, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội. Kể từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW, việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về tín dụng chính sách xã hội đã làm thay đổi sâu sắc nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh trong việc đẩy mạnh thực hiện tín dụng chính sách xã hội.
UBND các cấp đã ban hành nhiều cơ chế chính sách, hỗ trợ NHCSXH cơ sở vật chất và cân đối chuyển nguồn vốn ủy thác sang NHCSXH, để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền.
Cấp ủy, chính quyền tỉnh đã tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời ban hành cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng chính sách xã hội, nhằm huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn lực tín dụng chính sách xã hội; tạo điều kiện cho NHCSXH mở rộng huy động nguồn lực từ các cá nhân, tổ chức; từng bước mở rộng đối tượng chính sách xã hội được vay vốn, nâng mức cho vay, thời hạn cho vay phù hợp với mục tiêu các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp xác định việc huy động nguồn lực thực hiện tín dụng chính sách xã hội là nhiệm vụ trọng tâm, công tác bố trí nguồn lực tài chính thực hiện tín dụng chính sách xã hội theo hướng tích hợp các chương trình tín dụng chính sách trong quyết định đầu tư, các chương trình MTQG và các chương trình, dự án khác trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác năm 2014 (khi chưa có Chỉ thị 40-CT/TW) là hơn 53 tỷ đồng. Đến ngày 30/6/2024, tổng nguồn vốn nhận ủy thác đạt 464,4 tỷ đồng, thực hiện các chương trình, như: Cho vay hỗ trợ tạo việc làm; duy trì và mở rộng việc làm; cho vay hộ nghèo; cho vay người lao động đi làm việc ở nước ngoài,…
“Trợ lực” cho người dân giảm nghèo
Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông Vũ Anh Đức, cho biết: Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, chi nhánh đã giúp cho 306.903 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh được vay vốn với số tiền 10.915 tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng chính sách đến nay đạt 5.570 tỷ đồng, tăng 3.264 tỷ đồng so năm 2014, tỷ lệ tăng trưởng 141,5%, với gần 107.000 hộ nghèo và đối tượng chính sách còn dư nợ.
Qua đó, tạo điều kiện cho 61.481 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; 7.073 lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; 46.351 lao động được tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm; 425 lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; đầu tư xây dựng 162.664 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; 4.528 căn nhà cho hộ nghèo và đối tượng chính sách khác.
Đến nay đã giúp cho hơn 444.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vượt qua ngưỡng nghèo. Thông qua các chương trình tín dụng chính sách góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh năm 2023 còn 6,13%, tỷ lệ hộ cận nghèo 4,97%, góp phần hoàn thành tích cực một số chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại địa phương, ngăn chặn tình trạng tín dụng đen.
Trong những năm qua, tỉnh Đắk Nông xác định chủ trương lồng ghép nguồn vốn chính sách để củng cố, phát huy, nhân rộng các hợp tác xã, tổ hợp tác, giao các tổ chức chính trị - xã hội phát triển các dự án khởi nghiệp hỗ trợ hộ kinh doanh, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm đạt chuẩn OCOP nhằm định hướng phát triển kinh tế cho hộ gia đình.
Để tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trong thời gian tới, chi nhánh mong muốn Tỉnh ủy Đắk Nông sẽ tiếp tục lãnh đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW và Chỉ thị số 39-CT/TW, ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến tín dụng chính sách xã hội, xem đây là giải pháp quan trọng cho công tác giảm nghèo và giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới tại địa phương; xác định nội dung, nhiệm vụ, bố trí đủ, kịp thời nguồn vốn ủy thác sang chi nhánh NHCSXH tỉnh, để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội; xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.