Người Ngái trên địa bàn Thái Nguyên chỉ có khoảng gần 500 nhân khẩu, sống xen kẽ với các dân tộc khác. Tuy chỉ chiếm số lượng khá nhỏ trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Thái Nguyên nhưng người Ngái có nhiều nét văn hóa đặc trưng, độc đáo.
Để thích ứng với điều kiện sinh sống ở miền núi, trước đây người Ngái xây dựng nhà ở là nhà trình tường bằng đất sét hoặc bằng gạch đất nhào nhuyễn cùng với rơm đóng khuôn thành những viên to liên kết với nhau bằng bùn non trét kín. Kiểu nhà này vừa để chống đỡ được sương mù, cái rét của mùa đông, mát về mùa hè, nhưng lại có thể chống được kẻ gian, thú dữ.
Nhà người Ngái phổ biến là 3 gian 2 chái, nhà thường xây theo kiểu nhiều mái khép kín, lợp bằng ngói âm dương hoặc lá cọ tranh, rạ hoặc lá mía. Người Ngái xưa kia làm nhà trình tường, khi trình tường đất xong mới dựng cột kèo và lợp mái.
Trong kiến trúc nhà của người Ngái nếu làm 5 gian thì sẽ có 2 buồng ngủ, còn nhà 3 gian chỉ có 1 buồng. Còn lại là gian tiếp khách và gian thờ cúng tổ tiên.
Lối kiến trúc nhà phổ biến của người Ngái khi xưa là “nhà phòng thủ”. Kiến trúc nhà cho thấy lối sống khép kín, độc lập của các gia đình người Ngái, đó là nhà chính, nhà bếp, chuồng nuôi gia súc, gia cầm nối tiếp nhau thành một vòng tròn khép kín, mỗi nhà có một mái riêng. Khu vực giữa để trống dùng làm sân chung để sinh hoạt. Ngôi nhà truyền thống của người Ngái chỉ có một cửa chính để ra vào, hai bên có 2 khung cửa sổ nhỏ dùng để kiểm tra mọi việc xảy ra bên ngoài.
Những ngôi nhà truyền thống của người Ngái khi đóng cửa lại là mọi sinh hoạt diễn ra trong phạm vi nhà mình, từ bếp núc đến tất tật mọi thứ, không phải ra khỏi nhà. Hai bên cổng có những lỗ châu mai. Có chó sủa hay tiếng động, người ta nhìn qua lỗ châu mai xem có ai không. Nếu là khách quen thì mở cửa, lạ thì thôi. Tối đến, chủ nhà sập cửa, mỗi nhà thành một thế giới riêng. Nhà có điều kiện thì làm cửa gỗ, nhà không có điều kiện thì làm cửa tre.
Hiện nay, ở xóm Tam Thái (xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên), chỉ còn duy nhất gia đình cụ Trần Thành Quang còn giữ được căn bếp xây theo lối trình tường, tuy nhiên kết cấu mái thì đã thay đổi. Bàn thờ nhà ông cũng đã thay đổi cho phù hợp với cuộc sống hiện đại. Dấu vết duy nhất còn sót lại là những vết giấy đỏ dán trên bàn thờ.
Người Ngái hôm nay ít sống tập trung mà sinh sống cùng các dân tộc khác, đồng bào tiếp thu nhiều phong tục tập quán của các dân tộc xung quanh. Hầu hết các gia đình người Ngái ở Thái Nguyên hiện nay đều làm nhà ở giống người Kinh. Trong khuôn viên là một tổ hợp gồm nhà chính để ở, nhà bếp và chuồng gia súc được xây dựng riêng biệt chứ không liên hoàn nhau như khi xưa. Cách bài trí trong nhà vẫn được người Ngái gìn giữ theo lệ xưa với bàn thờ gia tiên, bàn thờ thổ công được đặt ngay trong gian chính ngôi nhà.