Người duy nhất còn giữ nghề truyền thống
Trong các dịp lễ Tết, cưới hỏi, tiếp đãi bạn bè…, người Cơ Tu ở vùng Trường Sơn -Tây Nguyên đều sử dụng rượu cần truyền thống làm thức uống. Từ xa xưa, hầu như nhà nào cũng nấu rượu cần để phục vụ trong gia đình, dòng họ chứ không bán ra ngoài. Tuy nhiên, qua thời gian, trên thị trường xuất hiện ngày càng nhiều loại rượu, bia sản xuất công nghiệp nên nhiều người chuyển sang sử dụng các loại thức uống này. Nghề nấu rượu cần truyền thống của người Cơ Tu theo đó dần bị mai một.
Lớn lên tại thôn Phú Túc, ông Lê Văn Nghĩa chứng kiến những giai đoạn thăng trầm của nghề nấu rượu cần truyền thống nên ông quyết tâm học lại nghề của cha ông để lại.
Năm 2013, ông Nghĩa cùng với 9 người trong thôn Phú Túc đi tập huấn ở Đắk Lắk về nghề nấu rượu cần. Sau đó, họ tổ chức thành một tổ hợp tác để cùng nhau khôi phục lại nghề truyền thống. Tuy nhiên, sau không biết bao nhiêu lần "đổ đi làm lại", tổ hợp tác đành gác lại “giấc mơ giữ nghề”, chỉ còn ông Nghĩa vẫn quyết tâm theo đuổi.
Gần 3 năm miệt mài làm đi làm lại để tìm ra công thức chế biến rượu cần, cuối cùng ông Nghĩa cũng thành công. "Ché rượu thơm ngon, đậm đà bản sắc dân tộc Cơ Tu là sản phẩm của một quá trình dài đúc kết kinh nghiệm, tâm huyết, từ khâu chọn lọc nguyên liệu đến nấu, ủ rượu và bảo quản. Đặc biệt là công đoạn ủ men - công đoạn quan trọng và phức tạp nhất trong quá trình nấu rượu cần. Để làm ra được loại men lá ngon, còn phụ thuộc vào nguyên liệu, tâm lý của người làm. Nếu người trộn men có tâm trạng không vui, làm cho xong việc thì men sẽ dễ hỏng, ủ sẽ không thành công.", ông Nghĩa chia sẻ.
Trải qua nhiều lần thử nghiệm với nguyên liệu là sắn, gạo tẻ nhưng không đạt chuẩn, ông Lê Văn Nghĩa đã chọn phương pháp nấu rượu cần bằng nếp. Ông nhận ra rượu cần được nấu bằng nếp sẽ có hương vị rất ngon, bảo đảm dùng được ở mọi lứa tuổi.
Tìm ra được công thức chuẩn để chế biến rượu cần, ông Lê Văn Nghĩa bắt tay vào xây dựng cơ sở sản xuất và kinh doanh rượu cần Phú Túc . Rượu cần Phú Túc là sản phẩm hoàn toàn tự nhiên, mang hương vị đặc trưng của núi rừng, níu chân những ai từng một lần nếm thử. Giá bán hiện nay, tùy theo thể tích, mỗi ché 4 - 6 lít có giá từ 300.000 đồng trở lên.
Mong muốn phát triển làng nghề
Trong quá trình sản xuất và kinh doanh rượu cần, cơ sở của ông Lê Văn Nghĩa cũng gặp phải một số khó khăn nhất định. Ngày trước, khi rừng chưa bị khai thác, rất dễ dàng tìm ra các loại nguyên liệu men truyền thống. Nhưng hiện nay, một số cây, củ muốn tìm được phải lên tận rừng sâu.
Hiện, cơ sở sản xuất rượu cần của ông Nghĩa vẫn còn hạn chế về thị trường do người tiêu dùng đã quen với các sản phẩm rượu công nghiệp, giá thành phải chăng. Tuy nhiên, với lòng nhiệt huyết, ông Nghĩa luôn tìm cách khắc phục khó khăn để cho ra những thành phẩm rượu cần thơm ngon hơn.
Nói về những mong muốn và dự định sắp tới, ông Nghĩa cho biết: "Tôi rất muốn chia sẻ kinh nghiệm, công thức nấu rượu cần đến toàn thể bà con để phát triển thành một làng nghề truyền thống, vừa tạo việc làm cho bà con, vừa khôi phục và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Cơ Tu".
Anh Nguyễn Tân, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú cho biết: "Nhận thấy cơ sở sản xuất và kinh doanh rượu cần Phú Túc của ông Nghĩa góp phần khôi phục nét văn hóa truyền thống của người Cơ Tu, bên cạnh đó còn tạo ra đặc sản dân tộc phục vụ du khách trong mỗi dịp đến Hòa Vang, vì vậy chính quyền xã luôn tạo mọi điều kiện để quảng bá cho sản phẩm rượu cần Phú Túc”.
Hiện nay, sản phẩm rượu cần Phú Túc của ông Lê Văn Nghĩa là một trong những sản phẩm đại diện của huyện Hòa Vang được chọn trưng bày tại gian hàng trưng bày của của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Đà Nẵng.