Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, cho biết: Trong nửa cuối tháng 11/2019, thiên tai diễn biến phức tạp, dự báo sẽ có nhiều loại hình thiên tai có khả năng xuất hiện đồng thời gây thời tiết xấu trên cả đất liền và biển Đông. Không khí lạnh liên tục được bổ sung ở tầng thấp, trên cao xuất hiện đới gió Đông mạnh, đồng thời vùng áp thấp/áp thấp nhiệt đới có khả năng kết hợp và tác động đồng thời với các điều kiện trên nên các tỉnh Trung bộ sẽ xảy ra một đợt mưa lớn, trọng tâm mưa rất to tập trung ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên.
PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam hiện đang chuyển sang mùa rét nên rất dễ xảy ra dịch bệnh. Cụ thể, các bệnh qua đường hô hấp như cúm, viêm màng não do não mô cầu, sởi, ho gà, quai bị, thủy đậu… gia tăng và có thể gây thành dịch. Do đó, người dân cần chủ động phòng chống.
Ông Phu khuyến cáo, để làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, người dân cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, ví dụ như tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà…). Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu. Bảo đảm vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hằng ngày; đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, giữ ấm nhà cửa. Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh truyền nhiễm cần thông báo ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn, khám và xử trí kịp thời.
Đối với các địa phương miền núi nơi điều kiện đi lại khó khăn, các cơ sở y tế thôn bản cần chủ động ứng phó sớm. Theo đó, hệ thống y tế thôn bản cần tăng cường tuyên truyền người dân nâng cao ý thức phòng bệnh. Đồng thời, chủ động nắm thông tin kịp thời báo cáo cơ quan chức năng nhằm tránh tình trạng bệnh lây thành dịch.