Theo đó, tại huyện Quan Sơn, ngành Y tế đã tổ chức cấp thuốc, hóa chất phòng chống dịch, hướng dẫn người dân trong vùng ngập lụt xử lý nguồn nước sinh hoạt tại bản Sa Ná, xã Na Mèo.
Lãnh đạo Sở Y tế Thanh Hóa cũng đã yêu cầu, ngành Y tế địa phương thực hiện tốt công tác sẵn sàng thu dung, điều trị người bệnh, làm tốt công tác y tế dự phòng, bảo đảm không để xảy ra dịch bệnh sau mưa lũ, góp phần bảo vệ sức khỏe, ổn định cuộc sống cho Nhân dân; tăng cường tổ chức các hoạt động giám sát và phòng chống dịch bệnh, nhất là các dịch bệnh thường xảy ra sau khi nước rút; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về phương tiện, nhân lực, trang thiết bị, thuốc, hóa chất phòng chống bão lụt, sẵn sàng chi viện, hỗ trợ cho các địa phương khi có yêu cầu.
Đặc biệt, tại bệnh viện dã chiến (đóng tại bản Sa Ná) ngành Y tế huy động 8 y, bác sĩ thường trực khám, cấp cứu, cấp phát thuốc, xử lý nguồn nước sinh hoạt cho người dân. Trung tâm Y tế và Bệnh viện Đa khoa huyện Quan Sơn cũng tổ chức và duy trì hoạt động hai tổ công tác lưu động gồm 14 cán bộ y tế mang theo cơ số thuốc, thiết bị y tế cùng phương tiện chuyên dùng, kịp thời thu dung, sơ, cấp cứu, chăm sóc sức khỏe cho những người bị thương do lũ cuốn trôi. Trong đó, một người dân bị thương nặng đã chuyển lên tuyến trên điều trị, tại Bệnh viện Đa khoa huyện Quan Sơn, số còn người dân còn được chăm sóc tích cực đã cơ bản hồi phục sức khỏe trở về nhà.
Ngoài ra, Trung tâm Y tế huyện Quan Sơn cũng đã cấp cho Trạm Y tế xã Na Mèo bốn cơ số thuốc phòng, chống lụt bão, 60kg Cloramin B và nhân lực y tế triển khai phun khử khuẩn, xử lý môi trường sau lũ, hướng dẫn tu sửa các công trình vệ sinh. Lực lượng chức năng kéo hai tuyến ống dẫn nước sạch về cụm bản bị lũ quét, đáp ứng nhu cầu nguồn nước sinh hoạt.
Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa đã thành lập các tổ công tác chỉ đạo, hướng dẫn việc xử lý ô nhiễm môi trường tại vùng lũ. Ông Lê Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Thanh Hóa) thông tin: Sau khi nước rút, cán bộ Sở trực tiếp hướng dẫn bà con xử lý nguồn cung cấp nước sinh hoạt theo các bước: Khơi thông các vùng nước đọng xung quanh khu vực giếng, tháo bỏ nylon bịt miệng giếng, tiến hành thau, rửa giếng, dùng bơm, gầu hút hết nước trong giếng ra ngoài. Dùng phèn chua làm trong nước giếng, dùng cloramin B hoặc clorua vôi để khử trùng. Nước sông, ao, hồ phải được xử lý bằng biện pháp cát lọc và khử trùng trước khi sử dụng để sinh hoạt.
Ngành Y tế khuyến cáo, nước rút đến đâu các địa phương và người dân phải huy động lực lượng vệ sinh nhà cửa, khơi thông cống rãnh, lấp vùng trũng nước đọng, thu gom, xử lý rác. Các động vật chết phải thu gom, chôn lấp trong phạm vi từng thôn, bản. Xác động vật chết phải bỏ trong bao rạch thủng, chôn lấp xa nguồn nước, cao ráo, có rắc vôi bột. Nơi có súc vật chết phải được khử trùng bằng vôi bột hoặc cloramin B.
Người dân cần ăn chín, uống sôi, tuân thủ hướng dẫn của ngành Y tế. Công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm cần được quan tâm, xử lý đúng cách. Nơi nào có sự cố tràn dầu, rò rỉ hóa chất phải báo cho cơ quan chức năng để có hướng xử lý phù hợp.
QUỲNH TRÂM