"Pho sử sống" của Xòe
Còn nhớ cách đây gần 2 tháng, cả nước cùng hướng về vùng đất Mường Lò (Nghĩa Lộ, Yên Bái), nhất là cộng đồng người Thái, bà con gác lại mọi công việc để đến tham dự Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, để được tận mắt chứng kiến màn đại Xòe.
Không để cho những người phương xa thất vọng, Chương trình nghệ thuật và màn đại Xòe với 2022 người tham gia, đã chạm đến trái tim của toàn thể cộng đồng người Thái, những người yêu văn hóa Thái; và hơn hết là những người chưa từng được xem Xòe Thái.
Đăc biệt, hình ảnh người đàn ông với mái tóc bạc phơ trên lưng ngựa, dẫn dắt con cháu thiên di, dựng bản lập mường trong chương trình nghệ thuật, đã khiến người xem xúc động. Và hầu hết người Thái đều biết người thủ vai đó chính là Nghệ nhân ưu tú Lò Văn Biến. Sau buổi Lễ, trò chuyện với chúng tôi, ông Biến bày tỏ sự xúc động và tự hào khi nghệ thuật Xòe Thái được cả thế giới ghi nhận.
Ông Biến được ví như "pho sử sống" của đồng bào Thái, bởi vốn kiến thức phong phú về văn hóa truyền thống và tinh thần truyền dạy không mệt mỏi cho lớp trẻ.Trong rất nhiều đóng góp của nghệ nhân Lò Văn Biến với văn hóa Thái, đáng ghi nhận hơn cả là việc khôi phục sáu điệu xòe cổ mang hồn cốt của đất Mường Lò.
Đặc biệt, ông là một trong những cá nhân tích cực và có nhiều đóng góp trong công tác xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh "Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Khi Xòe được ghi danh và Nghĩa Lộ tổ chức Lễ đón nhận Bằng của UNESCO, với vai trò và trách nhiệm vủa mình, ông đã tích cực đóng góp ý kiến, trực tiếp hướng dẫn, truyền dạy Xòe Thái, góp công rất lớn cho sự thành công của màn đại Xòe.
Ngoài Nghệ nhân ưu tú Lò Văn Biến, khó có thể kể hết được Nghệ nhân, Người có uy tín, những người cao tuổi… đang âm thầm gìn giữ, truyền dạy, lan tỏa Xòe Thái cho thế hệ trẻ. Chính những cá nhân tiêu biểu đó đã tạo nên sức mạnh cộng đồng, tạo thành một ý thức hệ, khiến Xòe Thái sống mãi cùng thời gian.
Sự chung tay của cộng đồng
Vẫn câu chuyện 2022 người Thái ở Nghĩa Lộ tham gia màn đại Xòe, với những người được trực tiếp tham gia biểu diễn, đó là một sự may mắn. Bởi ai cũng muốn góp một phần nhỏ của mình vào sự thành công của Lễ đón nhận Bằng, cũng là để thể hiện tình yêu Xòe với toàn thể du khách.
Cũng tại Nghĩa Lộ, nhiều năm qua, Xòe được lan tỏa ở hầu khắp các câu lạc bộ (CLB), được truyền dạy cho các em học sinh trong nhà trường. Do đó, cũng không ngạc nhiên khi nhắc đến Xòe, người ta nghĩ đến ngay Nghĩa Lộ. Được biết, Nghĩa Lộ có 196 đội văn nghệ quần chúng, trong đó có trên 15 đội văn nghệ nòng cốt. Các đội văn nghệ nòng cốt chính là những hạt nhân trong giữ gìn, bảo tồn, phát huy và giới thiệu, quảng bá nghệ thuật Xòe Thái tới du khách.
Nói về sự chung tay của cả cộng đồng trong phát huy Xòe Thái, bà Lê Thị Thanh Bình, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái tự hào, “Nghệ thuật Xòe Thái” được ghi danh vào danh sách văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, có tính cộng đồng cao, đã và đang được tỉnh Yên Bái gìn giữ, bảo tồn, trao truyền và lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Do đó, trong những lần tỉnh từng tổ chức màn đại Xòe, về trang phục biểu diễn của những người tham gia đều là trang phục truyền thống của dân tộc Thái vùng Mường Lò – Nghĩa Lộ, của chính các cá nhân tham gia, vừa thể hiện tính truyền thống của trang phục cũng như đưa Nghệ thuật Xòe gần gũi, lan tỏa mạnh mẽ trong cuộc sống.
Và ở khắp các vùng có đông đồng bào Thái sinh sống như Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, người Thái đều thành lập đội văn nghệ. Họ thường xuyên múa Xòe mỗi khi có công việc của bản và tham gia các hoạt động văn hóa của xã, huyện, tỉnh khi có sự kiện.
Nhờ đó, các điệu xòe không chỉ diễn ra trong cộng đồng, Xòe còn được người Thái phát huy giá trị ở nhiều không gian văn hóa khác nhau như: Tại các sân khấu chuyên nghiệp, trong các lễ hội, ngày hội văn hóa, thể thao du lịch; trong các hội thi, hội diễn của Trung ương và địa phương; các hoạt động giao lưu văn hóa giữa các dân tộc hoặc trong các hoạt động đối ngoại…Nghệ thuật Xòe Thái trở thành sợi dây cố kết cộng đồng các dân tộc và mọi du khách xa gần.
Với giá trị và ý nghĩa đó, các tỉnh Tây Bắc mà nòng cốt là tỉnh Yên Bái, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp xây dựng Hồ sơ quốc gia Nghệ thuật Xòe Thái trình UNESCO ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là một quá trình có tính lịch sử đối với Xòe Thái, thể hiện sự chung tay, góp sức của từng hạt nhân tiêu biểu, tạo nên sức mạnh cộng đồng đưa Xòe Thái vươn tầm thế giới.