Người hóa trang trong lễ hội được người Ba Na ở Gia Lai gọi là mêu pit. Không phải lễ hội nào cũng có sự hiện diện của nhóm người hóa trang mà chỉ xuất hiện trong một số lễ hội như: Lễ bỏ mả và các lễ hội có nghi thức đâm trâu… Số lượng người múa hóa trang trong mỗi lễ hội thường có từ 1 đến 3 người.
Trong buổi thực hành lễ hội, người hóa trang thường dẫn đầu, tiếp theo là nhóm người chơi các loại nhạc cụ truyền thống như: Lục lạc, trống, chũm chọe, cồng chiêng và tốp người múa xoang. Tất cả tạo nên một hoạt cảnh náo nhiệt với đầy đủ gam màu âm nhạc, hội họa, nghệ thuật diễn xướng, tạo hình đi quanh biểu tượng thiêng hoặc khu vực diễn ra lễ hội. Các cử chỉ hay đúng hơn là biểu hiện của nhân vật hóa trang trong lễ hội của người Ba Na muôn màu, muôn vẻ. Có lúc là hiện thân của con người với những động tác trong lao động sản xuất, có lúc là hiện thân của những hồn ma, quỷ dữ với các động tác ghê rợn, hoặc có lúc là hiện thân của con người trong các sinh hoạt mang tính phồn thực. Ứng với mỗi đối tượng cần biểu đạt, cách thức hóa trang cũng được thực hiện phù hợp với đối tượng biểu đạt đó.
Thông thường có hai hình thức để hóa trang cho các mêu pit. Cách thứ nhất là bôi trét bùn, đất sét khắp cơ thể, tô vẽ cả lên khuôn mặt (hoặc đeo mặt nạ). Cách thứ hai là sử dụng các loại rễ cây, lá chuối khô, cỏ khô… làm trang phục, khuôn mặt cũng có thể được tô vẽ hoặc đeo mặt nạ. Vật dụng các mêu pit cầm theo trong quá trình nhảy múa thường có chũm chọe, trống nhỏ, cây gậy, cái cuốc, cái cào, tẩu thuốc, dao, rựa... Đôi lúc mêu pit không cầm bất cứ thứ gì, hai tay kết hợp sự chuyển động của cơ thể làm những động tác linh hoạt tương tác với mọi người xung quanh.
Nổi bật hơn cả trong việc hóa trang cho các mêu pit là chiếc mặt nạ. Mặt nạ hóa trang của người Ba Na được chia làm hai nhóm, bao gồm: nhóm mặt nạ trang trí trực tiếp và nhóm mặt nạ độc lập. Nhóm mặt nạ trang trí trực tiếp được tô vẽ trực tiếp lên khuôn mặt của mêu pit bằng các chất liệu như vôi trắng, bùn, đất sét pha loãng. Mặt nạ này thường gắn với mêu pit hóa trang bằng cách cởi trần và bôi trét bùn đất khắp cơ thể. Nhóm mặt nạ thứ hai là mặt nạ trang trí độc lập. Đây là loại mặt nạ được tạo hình, tô vẽ riêng bên ngoài, sau đó được các mêu pit đeo vào bịt kín cả khuôn mặt. Nhóm mặt nạ này phong phú và đa dạng về vật liệu, hình thức, chủ đề, tạo hình cũng như màu sắc.
Mặt nạ phần lớn được đẽo gọt từ những cây gỗ mềm (để mộc hoặc tô vẽ các chi tiết mắt, mũi miệng bằng các màu cơ bản: đen, trắng, đỏ…) hoặc loại mặt nạ được làm đơn giản từ các vỏ thân cây chuối, củ chuối hoặc củ các loại dây rừng, được cắt tỉa giản lược nhưng mang tính biểu tượng cao… Nhóm mặt nạ này thường gắn với các mêu pit với trang phục hóa trang từ các loại vỏ cây, lá chuối khô... quấn hoặc khoác quanh mình. Trang trí mặt nạ hoàn toàn dựa vào sự sáng tạo của nghệ nhân chứ không theo một khuôn mẫu nào nhất định, miễn làm sao tạo ra những hình ảnh ngộ nghĩnh, dễ gây cười hoặc những mặt nạ với hình thù kỳ dị, tạo cảm giác sợ hãi cho mọi người xung quanh.
Với ngôn ngữ tạo hình vừa tả thực vừa trừu tượng, các mêu pit đã tạo nên một bức tranh sinh động trong lễ hội truyền thống của người Ba Na. Thực hành trong lễ hội truyền thống của người Ba Na là một chuỗi sự kiện mang đậm dấu ấn cộng đồng từ khâu chuẩn bị đến khi kết thúc. Đặc biệt, khi các mêu pit xuất hiện, mọi người đều vui mừng, phấn khởi, người thì mời rượu, người mời thịt, người châm thuốc… tất cả đều quây quần và nhảy múa trong tiếng trống, tiếng cồng chiêng dồn dập. Kết thúc lễ hội, các mêu pit trở về với cuộc sống đời thường, nhưng hình ảnh và biểu hiện của các mêu pit với đủ trạng thái ngộ nghĩnh, kỳ dị… luôn mang đặc trưng riêng và để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người tham dự lễ hội.