Múa sư tử mèo là một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc, thường được biểu diễn trong các dịp lễ, tết của người Tày, Nùng ở Lạng Sơn. Theo quan niệm, năm mới, sư tử mèo đi đến đâu là mang theo hạnh phúc, no đủ và niềm vui đến đó. Để có những điệu múa sư tử mèo hấp dẫn, độc đáo, mang đậm văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số xứ Lạng không chỉ là sự khéo léo của người múa, mà phần quan trọng không kém là những đạo cụ như, mặt sư tử, mặt báo đông, nả lình, chiêng, chũm xòe, đinh ba… của các nghệ nhân chế tạo ra.
Với ông Chóong, bản thân chế tạo ra chiếc đầu sư tử mèo như một cơ duyên. Ngay từ khi còn nhỏ, ông lại được theo các già làng tham gia nhiều hoạt động tại các lễ hội tại thôn, bản. Lớn hơn, ông được đi biểu diễn cùng đội múa sư tử trong các lễ hội lồng tồng tại các địa phương trên địa bàn huyện.
“Qua nghe các cụ kể chuyện, tôi được biết múa sư tử mèo là nét văn hóa đặc sắc của dân tộc, không phải ở đâu cũng có. Từ đó, tôi đã tìm hiểu và nghiên cứu về cách làm ra những chiếc đầu sư tử mèo độc lạ này”, ông Chóong kể lại.
Theo lời ông Choóng, người truyền nghề cho ông là cụ Nông Xuân Quyền, một trong những nghệ nhân nổi tiếng trong vùng với những chiếc đầu sư tử mèo sinh động và độc đáo. Năm 2002, sau khi nghỉ hưu, ông Choóng dành nhiều thời gian để nghiên cứu, chế tác ra những chiếc đầu sư tử mèo, với mong muốn bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc.
Từ năm 2002 đến nay, nghệ nhân Hoàng Choóng đã chế tác và bán khoảng 250 bộ đạo cụ sư tử cho cả người lớn và trẻ nhỏ. Khách hàng chủ yếu là các cơ quan, đơn vị, các trường học và nhiều cá nhân có nhu cầu mua để trưng bày, biểu diễn, giới thiệu nét văn hóa của dân tộc.
Theo ông Choóng, để làm ra được một chiếc đầu sư tử mèo có hồn và đẹp mắt, đòi hỏi ở người làm phải kiên trì và tỉ mỉ. Để hoàn thiện một chiếc đầu sư tử mèo phải mất hơn 1 tuần từ khâu chọn đất (đất sét trắng ở gần sông, suối), giã mịn, sàng sảy đất, ngâm nước rồi mới đến khâu nhào nặn, chế tác để tạo ra đầu sư tử. Cuối cùng là dán giấy bồi, sơn vẽ các loại màu lên đầu sư tử sao cho ấn tượng và bắt mắt…
Anh Hoàng Thiên, một người dân trong xã tâm đắc với những tác phẩm đầu sư tử mèo của ông Chóong nhận xét: “Đầu con sư tử mèo của nghệ nhân Chóong làm ra rất đẹp, đường vẽ sắc nét, màu sắc hài hòa, hội tụ đầy đủ thần thái của con sư tử”.
Ngoài thực hiện chế tác ra những chiếc đầu sư tử mèo, ông còn truyền dạy cách làm cho con, cháu trong gia đình để nghề không bị mai một. Không những vậy, ông còn nghiên cứu, bảo tồn các đồ chơi dân gian truyền thống như: Cáy cộc (gà đất gáy), tò he…
Ông là một trong những nghệ nhân được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn mời tham gia trưng bày, quảng bá sản phẩm thủ công truyền thống tại nhiều chương trình, hoạt động như: Chương trình triển lãm đặc trưng đồng bào các dân tộc Lạng Sơn tại Hà Nội; chương trình Chợ phiên Xứ Lạng tổ chức tại Đồng Mô, Hà Nội năm 2018; khai trương tuyến phố đi bộ Kỳ Lừa năm 2020… Qua đó, những sản phẩm thủ công truyền thống mang đậm nét văn hóa của dân tộc Tày, Nùng Xứ Lạng được nhiều người biết đến.
Cùng gia đình du lịch, tham gia phố đi bộ Kỳ Lừa, chị Phạm Thị Thu - du khách đến từ Hải Phòng chia sẻ về ấn tượng của mình: “Tôi rất vui khi được tham gia vào không gian sôi động của phố đi bộ Kỳ Lừa. Tôi đặc biệt ấn tượng với màn múa sư tử mèo, rất hay và độc đáo, nên cũng đã mua mô hình chiếc đầu sư tử mèo làm quà cho các con mình”.
Múa sư tử mèo của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, tỉnh Lạng Sơn được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2017. Từ đó đến nay, công tác bảo tồn di sản này càng được các cấp, ngành và nhiều người dân quan tâm, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống trong đời sống hiện đại.
Bà Ấu Thị Nga Sơn - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Nghệ nhân Hoàng Choóng là người có rất nhiều kinh nghiệm, am hiểu và tâm huyết với việc giữ gìn và phát huy di sản múa sư tử mèo của đồng bào dân tộc Tày, Nùng trên địa bàn tỉnh. Ông đã tích cực nghiên cứu, chế tác ra rất nhiều đầu sư tử mèo đặc sắc và nỗ lực truyền dạy cho các thế hệ sau với mong muốn loại hình nghệ thuật này tiếp tục được giữ gìn và phát triển”./.