Tìm về xã Hải Yến, huyện Cao Lộc một trong những địa phương lưu giữ được nguyên vẹn điệu múa sư tử mèo, ông Mã Văn Nhân, Trưởng thôn Tồng Riền, cho biết: “Từ lâu, nghệ thuật múa sư tử mèo được người dân xã Hải Yến gìn giữ. Bản thân tôi cũng học được cách múa, kinh nghiệm biểu diễn của cha ông truyền lại, để bây giờ tôi tiếp tục truyền dạy lại cho con, cháu trong gia đình, dòng họ để biểu diễn vào dịp Tết và góp vui trong các ngày lễ lớn của xã, của huyện”.
Theo ông Nhân, học múa sư tử mèo không khó, quan trọng người múa phải nhanh nhẹn, có đủ sức khỏe để biểu diễn những động tác nhào lộn, nhảy cao, trồng cây chuối... Vào dịp Tết Nguyên đán, đội múa sư tử mèo đi từng nhà trong bản để cầu cho gia chủ sức khỏe, năm mới ăn nên làm ra. Đồng bào Tày, Nùng quan niệm năm mới sư tử mèo đi đến đâu là mang theo hạnh phúc, no đủ và niềm vui đến đó. Hội Lồng tồng cũng không thể thiếu màn múa sư tử mèo.
Cũng giống như múa sư tử của các dân tộc khác, múa sư tử mèo không tách rời khỏi nhạc và trò diễn. Người múa sư tử mèo sẽ điều khiển một chiếc đầu có hình dáng gần giống đầu sư tử thông thường nhưng mặt nạ có khuôn mặt của con mèo. Khuôn mặt mỗi con sư tử đều mang một sắc thái riêng. Đặc biệt, đầu sư tử được người dân tự làm bằng nguyên liệu sẵn có và trang hoàng bằng những màu sắc rất sặc sỡ.
Để chuẩn bị cho phần múa sư tử mèo, người múa phải chuẩn bị những đạo cụ như: mặt báo đông, mặt nả lình (còn gọi là mặt khỉ); chiêng (là), chũm chọe (xụp xè, xấp xóa, nghé xả); đinh ba chạc (sam xa), gậy, đoản đao (pàn tao), kiếm, dao nhọn… Tùy vào không gian, địa điểm, mục đích, yêu cầu múa sư tử mèo có nhiều nghi thức, điệu múa và các trò diễn cho phù hợp như: múa chào thần thánh; múa chúc mừng năm mới các nhà trong làng (pai hờn, pái lờn); múa đi đường, múa tại hội lồng tồng… và các trò diễn như: báo đông, trò vui của khỉ, múa võ (oóc quyền)…
Ông Hứa Xuân Dương, Chủ tịch UBND xã Hải Yến cho biết: Hiện nay, 7 thôn trong xã đều có đội múa sư tử với 12 đầu lân và gần 200 thành viên tham gia. Người dân ở mọi độ tuổi đều đam mê múa sư tử mèo. Mỗi hộ gia đình tự nguyện đóng góp từ 10 đến 50 ngàn đồng/năm cho các đội múa sư tử luyện tập và biểu diễn.
Với những giá trị truyền thống văn hoá, ngày 8/5/2017, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 1852/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó công nhận múa sư tử mèo của dân tộc Tày, Nùng Lạng Sơn là một loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian mang tầm cỡ quốc gia. Theo đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn đã mời nghệ nhân mở lớp truyền dạy với mong muốn gìn giữ và phát huy giá trị của loại hình di sản phi vật thể này. Đến nay, đã tổ chức được 2 lớp học múa sư tử mèo, thu hút hơn 60 học viên tham gia.
Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết: Múa sư tử mèo là một hình thức sinh hoạt văn hoá đặc sắc của các dân tộc Tày, Nùng trong tỉnh. Thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân gìn giữ giá trị của loại hình nghệ thuật tổng hợp này. Đồng thời nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, lập hồ sơ trình lên cấp trên đề nghị xếp hạng đối với loại hình múa sư tử của dân tộc Tày, Nùng. Qua đó, nhằm đưa loại hình này trở thành một sản phẩm văn hóa du lịch hấp dẫn riêng có của xứ Lạng, góp phần làm phong phú thêm hành trình thăm quan, khám phá, trải nghiệm của du khách thăm quan du lịch trong và ngoài tỉnh Lạng Sơn.
Điệu múa sư tử mèo của dân tộc Tày, Nùng được hình thành từ rất lâu đời và thường được biểu diễn vào các dịp lễ hội mừng Xuân, Tết Trung thu, ngày hội xuống đồng. Với quan niệm sự xuất hiện của sư tử là điềm lành, múa sư tử được đồng bào ưa thích vì nhiều vũ điệu khỏe khoắn, phù hợp tinh thần thượng võ của người miền núi. Người dân quan niệm múa sư tử sẽ xua đuổi được tà ma, làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu.
MINH HỒNG