Chúng tôi đến thăm Nghệ nhân Đinh Chương, (thường gọi là Bok Vin) tại căn nhà sàn truyền thống của ông ở làng Kon Blo (làng K8), xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, được nghe ông kể lại những năm kháng chiến và tham gia các hoạt động văn nghệ tại địa phương. Năm 1967, ông là Đội trưởng Đội Văn nghệ Vĩnh Thạnh, vừa sáng tác bài múa, vừa sáng tác bài hát, kịch bằng tiếng mẹ đẻ, thường xuyên đi biểu diễn phục vụ đồng bào. Năm 1977, ông tham gia cuộc thi múa hát văn nghệ miền Trung với tiết mục múa “Mừng lúa mới” và đạt Huy chương Vàng.
“Cả cuộc đời tôi gắn bó với núi rừng quê hương, đam mê văn hóa từ nhỏ nên đến giờ vẫn không ngừng học hỏi, luyện tập, tham gia các hoạt động để góp phần giữ gìn các giá trị văn hóa của đồng bào Ba Na Kriêm Vĩnh Thạnh”, Nghệ nhân Chương trải lòng.
Với những đóng góp của mình trong lĩnh vực văn hoá truyền thống dân tộc, Nghệ nhân Ðinh Chương được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú năm 2015 và Nghệ nhân Nhân dân năm 2019.
Không chỉ giỏi múa, hát, kể hơmon, Nghệ nhân Đinh Chương còn là bậc thầy về chế tác và biểu diễn các loại nhạc cụ của đồng bào dân tộc Ba Na. Từ đàn T’rưng, đàn Blơng khơng, đàn Goong, đàn Hơ đong, Đing Dút đến sáo Tà lía, sáo Ola… ông đều thông tỏ.
Chúng tôi đã nhiều lần được “mục sở thị” bộ sưu tập hàng chục nhạc cụ truyền thống của người Ba Na do chính tay Nghệ nhân Đinh Chương chế tác, được đặt trang trọng trên vách nhà. Ông dẫn chúng tôi đi quanh căn phòng trưng bày rồi giới thiệu từng loại nhạc cụ, từ đàn T’rưng, đàn Blơng khơng, đàn Goong, đàn Hơ đong, Đing Dút đến sáo Tà lía, sáo Ola...
Vậy rồi người nghệ nhân già thử âm từng loại nhạc cụ một. Chúng tôi ấn tượng hơn cả là lúc ông thổi Tà lía, loại sáo có ba lỗ, âm thanh dìu dặt như muốn kết nối lòng người với rẫy rừng, không gian xanh bao la trước mặt...
Đặc biệt hơn cả là khi Nghệ nhân Đinh Chương lắp ráp và chơi đàn T’rưng, đôi bàn tay ông khéo léo đưa lên khung, căng dây tạo độ chùng. Nhìn cách ông chỉnh đàn tựa hồ như đang thủ thỉ tâm tình cùng cây đàn vậy. Điều đó khiến người xem tin rằng, người nghệ nhân ấy đã có một sự giao cảm nhất định với loại nhạc cụ này.
Với Nghệ nhân Đinh Chương, chặng đường tham gia hoạt động văn nghệ, mang lời ca tiếng hát, điệu múa dân gian của quê hương biểu diễn để con cháu, mọi người thêm hiểu về văn hóa Ba Na Kriêm là những tháng ngày đầy ắp kỷ niệm. Trong cuộc chuyện trò, ông đưa tay chỉ lên vách nhà sàn. Ở đó là mấy chục Bằng khen được ông trân trọng lưu giữ. Nhiều Bằng khen trong số đó, giấy đã ngả màu xưa cũ, in dấu thời gian của hàng chục năm trước.
Nhiều năm hoạt động văn nghệ, Nghệ nhân Đinh Chương đã tích lũy dồi dào vốn văn hóa cũng như những bài hát, bài múa dân gian của người Ba Na Kriêm. Khi về hưu, ông lại tiếp tục góp phần gìn giữ vốn văn hóa của dân tộc mình bằng cách lan tỏa tình yêu văn hóa truyền thống với lớp trẻ. Nghệ nhân Đinh Chương đã truyền dạy cồng chiêng cho nhiều thế hệ dân làng K8, nhất là thế hệ thanh niên và các em nhỏ. Nhờ ông mà làng K8 là làng duy nhất của huyện Vĩnh Thạnh có tới 3 đội cồng chiêng với 3 lứa tuổi: Thanh niên, thiếu niên và người cao tuổi.
“Cồng chiêng đối với người Ba Na rất quan trọng, là phương tiện để giao tiếp với thần linh, là người bạn gần gũi, thân thiết và gắn bó hầu như suốt cuộc đời của mỗi người. Vậy mà lớp trẻ bây giờ ít quan tâm đến văn hóa truyền thống của dân tộc mình cho nên già quyết tâm khơi dậy tình yêu đối với cồng chiêng bằng cách tập hợp các cháu lại để truyền dạy”, Nghệ nhân Đinh Chương chia sẻ.
Để nuôi dưỡng tình yêu với di sản văn hóa Ba Na, Nghệ nhân Đinh Chương còn động viên nhiều người cùng tham gia các chương trình văn hóa, văn nghệ từ cấp làng đến cấp tỉnh; trò chuyện, trao đổi với nhau với mục đích chung tay, chung lòng giữ gìn di sản của dân tộc mình.
Nói về Nghệ nhân Đinh Chương, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Yang Danh chia sẻ: “Đối với người Ba Na Kriêm ở Vĩnh Thạnh, Nghệ nhân Đinh Chương là một báu vật sống. Nay, dù tuổi cao nhưng ông vẫn vẹn nguyên sự nhiệt tình với văn hóa của dân tộc mình, vẫn là một già làng uy tín vận động bà con xây dựng đời sống văn hóa tại địa phương, tiếp tục truyền dạy các bài hát, điệu múa, chế tác nhạc cụ, giữ gìn nét văn hóa Ba Na Kriêm. Đến đâu, ông cũng được bà con yêu mến, kính trọng”.