Cùng với các làn điệu hát Cọi, Lượn, Then là một phần mạch nguồn văn hóa dân tộc Tày. Nghi thức Then mang tính cộng đồng lớn nhất trong năm của dân tộc Tày thường được tổ chức vào dịp đầu Xuân năm mới trong Lễ hội Lồng Tồng.
Ở Lễ hội này, thầy Then có uy tín sẽ đại diện dân bản dâng lễ vật, qua đó gửi gắm ước nguyện về cuộc sống ấm êm, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Bên cạnh đó, vào mùa xuân và mùa thu đồng bào khắp các thôn bản lại hân hoan mở Lễ Lẩu Then Bjóoc Mạ, Lẩu Then cốm, đây cũng là những nghi lễ mang đậm nét đẹp văn hóa tâm linh của dân tộc Tày.
Đã có giai đoạn, một số loại hình nghệ thuật truyền thống trong đó có nghệ thuật đàn Tính, hát Then của người Tày trên mảnh đất Hà Giang đứng trước nguy cơ mai một. Người trẻ chạy theo các trào lưu văn hóa mới bỏ quên các làn điệu dân tộc, các nghệ nhân già đi theo năm tháng khiến văn hóa cổ truyền mất dần trong đời sống cộng đồng.
Trăn trở với điều đó, nghệ nhân Nguyễn Văn Chự cùng nhiều người am hiểu Then, hát Then ở địa phương đã cùng nhau mở lớp dạy cách chơi đàn Tính, cách ngân nga điệu Then để đưa văn hóa dân tộc mình đến với nhiều người hơn. Lớp học ở thôn Tha, thôn Chang, xã Phương Độ đã trở thành nơi giao lưu, gặp gỡ, như một “điểm hẹn” cho những cá nhân có năng khiếu, sự đam mê và yêu thích các làn điệu dân ca Lượn, Cọi, hát Then trên địa bàn.
Trao đổi cùng phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, nghệ nhân Nguyễn Văn Chự chia sẻ: “Năm 2021, tôi cùng những người có cùng sở thích say mê văn hóa dân tộc Tày mở lớp học hát Then, đàn Tính. Lớp học có khoảng 20 học viên, đều là con em đồng bào dân tộc Tày trên địa bàn. Đều phấn khởi là, tất cả mọi người đều có chung sự tâm huyết với văn hóa của dân tộc mình nên lớp học đã luôn duy trì hoạt động đều đặn hằng tuần, hằng tháng".
Nhớ lại khoảng thời gian đầu tham gia lớp học, chị Trần Thị Thiếp kể: Nghe tin nghệ nhân Nguyễn Văn Chự mở lớp dạy cách chơi đàn Tính và hát Then, chị mạnh dạn xin được tham gia. Với những ai chưa từng được học qua nhạc lý thì những ngày đầu sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng rồi, với sự chỉ dạy tận tình của những nghệ nhân tâm huyết như ông Nguyễn Văn Chự, đôi tay chị đã dần thanh thoát hơn trên dây đàn Tính.
"Qua mỗi buổi học, em lại cảm nhận thêm được những tinh tuý ẩn chứa trong từng nốt nhạc, lời Then. Vì vậy, sau hơn 20 ngày theo học em đã có những hiểu biết cơ bản và thể hiện được một số đoạn trong các điệu Then quen thuộc”, chị Thiếp bộc bạch.
Không dừng lại ở việc truyền dạy Then, trong vai trò Hội trưởng Hội nghệ nhân dân gian xã Phương Độ, nghệ nhân Nguyễn Văn Chự còn góp sức khôi phục một số làn điệu Then cổ của dân tộc Tày. Nhiều năm qua, ông đã cất công sưu tầm hơn 20 bài hát dân ca Tày, trong đó, có nhiều làn điệu hay, mang ý nghĩa sâu sắc như “Khảm pé, suôi thuông”.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Chự cho biết: “Để có thể khôi phục các làn điệu dân ca cổ đòi hỏi phải biết dịch nghĩa, đồng thời am hiểu và biết hát đúng lời, thì sau này mới có thể dạy lại cho thế hệ sau, trước là để những làn điệu dân ca đó không bị mai một, sau nữa hướng tới việc lan tỏa những điều tốt đẹp đó trong cộng đồng”.
Từ tâm huyết của thế hệ đi trước, lớp kế cận là những học viên ban đầu như chị Nguyễn Thị Kết, Trần Thị Thiết, xã Phương Độ đã mạnh dạn sân khấu hóa loại hình nghệ thuật này để tạo ra cách tiếp cận thường xuyên hơn với công chúng, phục vụ cho nhu cầu phát triển du lịch.
Ông Vương Văn Cao, Phó Bí thư Đảng ủy xã Phương Độ đánh giá: “Mô hình lớp học truyền dạy lại các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Tày của nghệ nhân Nguyễn Văn Chự, là một trong những kết quả quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch số 79-KH/TU, ngày 04/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hà Giang về tiếp tục triển khai thực hiện mô hình “Hội nghệ nhân dân gian” giai đoạn 2021 – 2025. Các cấp chính quyền của địa phương luôn khuyến khích và ủng hộ các hoạt động nhằm giữ gìn, khôi phục, bảo tồn, truyền dạy vốn văn hóa cổ truyền dân tộc”.
Theo đại diện Phòng Di sản Văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, nhiều năm trở lại đây, Sở đã tham mưu, đề xuất thực hiện một số giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy di sản hát Then. Trong đó, đẩy mạnh, khuyến khích việc nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn, xuất bản các cuốn sách, đĩa nhạc về hát Then; hằng năm tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn hát Then cho hạt nhân văn nghệ cơ sở, truyền dạy các làn điệu Then cổ.
Trong công tác bảo tồn giá trị hát Then, một trong những yếu tố quyết định là phải coi trọng, phát huy vai trò của các nghệ nhân; do vậy, UBND tỉnh Hà Giang cũng thực hiện những chính sách nhằm khuyến khích, ưu đãi, tôn vinh nghệ nhân tâm huyết lưu giữ, truyền dạy nghệ thuật dân tộc. Mặt khác, ngành Giáo dục tỉnh Hà Giang cũng đẩy mạnh việc đưa văn hóa truyền thống vào trường học, trong đó, đưa loại hình hát Then vào nội dung các hoạt động ngoại khóa, giáo dục ngoài giờ tại các nhà trường…
Ngày hôm nay, ai đó có dịp ghé thăm mảnh đất Phương Độ, tìm về với làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Tha, thôn Hạ Thành không chỉ ngỡ ngàng bởi những ngôi nhà sàn truyền thống được gìn giữ vẹn nguyên của đồng bào dân tộc Tày, mà còn rất dễ “phải lòng” với cây đàn Tính và âm hưởng ngọt ngào của làn điệu hát Then do chính cộng đồng cư dân bản địa thể hiện.
Tại Phiên họp ngày 12/12/2019 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 14 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra tại Bogotá, Colombia, di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.