Nguyên liệu làm gùi
Nguyên liệu chính để làm gùi là cây lồ ô, cây tre và dây mây. Nguồn nguyên liệu này, được khai thác tại chỗ trong khu rừng Tánh Linh. Lựa chọn những cây lồ ô thẳng, không quá già hoặc quá non chặt mang về nhà để làm nguyên liệu đan gùi. Cây lồ ô được xử lý bằng cách ngâm dưới nước suối để không bị mối, mọt gây hại. Cây tre chặt ra thành từng đoạn, chẻ ra và vót mỏng tách lớp vỏ để làm nguyên liệu đan.
Trước khi đan, tre được xử lý ngâm nước giống như cây lồ ô. Dây mây, khai thác trong tự nhiên, người thợ cuộn lại để trong nhà bếp xông khói khi cần sử dụng thì cắt ra một đoạn vừa sử dụng, đem nhúng nước cho mềm rồi buộc làm dây gùi.
Dụng cụ đan gùi
Việc đan gùi khá vất vả, đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ và yêu cầu kỹ thuật cao. Để làm ra một chiếc gùi, ngoài đôi bàn tay chăm chỉ còn cần đến các dụng cụ đặc trưng hỗ trợ các công đoạn đan lát. Các dụng cụ đan gùi như chà gạc, rựa, dao, cây dùi…
Chà gạc là công cụ dùng để đi rừng chặt cây lồ ô, cây tre. Chà gạc có phần lưỡi làm bằng thanh sắt dài khoảng 20cm, phần cán làm bằng cây tre. Chà gạc có loại lưỡi bằng và lưỡi nhọn. Ngoài sử dụng chà gạc, người Chăm còn sử dụng cây rựa để vào rừng chặt cây lồ ô, cây tre và dây mây để làm nguyên liệu. Người thợ dùng rựa chẻ, tách, vót mỏng cây lồ ô, cây tre làm nan đan.
Ngoài những dụng cụ trên còn có dao và dùi. Cây dùi dài khoảng 25cm, được làm bằng thanh sắt, phần đầu được mài nhọn và sắc, phần đuôi gắn với một thanh tre để làm tay cầm. Tùy thuộc vào từng công đoạn và bộ phận đan gùi, người thợ chọn lựa cây dùi thích hợp để sử dụng.
Kỹ thuật đan lát và trang trí hoa văn trên gùi
Để hoàn thiện một chiếc gùi, ngoài việc chuẩn bị những nguyên liệu và dụng cụ hỗ trợ cần thiết, đòi hỏi người thợ cần phải có sự khéo tay và kiên nhẫn thực hiện các động tác đan theo một quy trình, tuần tự nhất định. Đầu tiên là chuẩn bị nan đan, người thợ sử dụng nguyên liệu là những cây lồ ô, tre, nứa, dùng dao nhọn chẻ tước phần ruột, chỉ lấy phần cật, vót nhẵn đều các sợi nan. Phần đáy gùi được làm trước tiên, sau đó đan lên thân gùi, làm dây đeo, miệng và gắn đế gùi sau cùng.
Để tạo đáy gùi, người thợ dùng hai thanh tre to bằng ngón tay cái đã được vót đều hai mặt, dài khoảng 40cm đan lại với nhau thành hình chữ X. Phần đáy có chức năng giữ cho gùi vững chắc, kích thước của đáy quyết định độ rộng lớn của chiếc gùi. Lần lượt người thợ đan từ phần đáy lên dần cho đến khi hoàn thành sản phẩm.
Về kỹ thuật đan gùi của người Chăm giống với các DTTS vùng Tây Nguyên. Người thợ cài nan theo phương pháp hai lên hai xuống hoặc một lên một xuống, cứ như vậy, mà đảo ngược trật tự lại. Nan nào xuống thì đan lên còn nan nào lên thì đan xuống, khi hết nan thì tiếp tục nối vào đan tiếp cho đến khi hoàn thành một cái gùi. Những nan đan không đều ở phần miệng, người thợ cắt bỏ và chỉnh sửa lại cho đều nhau. Hầu hết, các loại gùi có vành miệng tròn làm bằng cây tre hoặc dây mây uốn tròn, đường đan dây mây chạy xung quanh vành miệng có hình dạng con rít. Hoa văn trang trí trên gùi của người Chăm đơn giản, màu sắc chủ yếu là đen và không màu.
Dây đeo được người thợ chuẩn bị trước, đan bằng những sợi dây mây có hình dạng con rít. Dây đeo chịu trọng lực chính trong quá trình vận chuyển, di chuyển trên các địa hình hiểm trợ, dốc núi. Do đó, dây đeo được làm rất chắc để không bị đứt khi mang gùi. Đế gùi có chức năng như cái giá đỡ toàn bộ chiếc gùi và có tác dụng để đặt gùi bằng phẳng trên mặt đất. Phần đế có hình dạng chữ nhật, là công đoạn được làm cuối cùng.
Người thợ làm gùi vào những lúc nông nhàn nên việc hoàn thành một sản phẩm có thể kéo dài một tuần. Sau khi hoàn thiện, chiếc gùi thường được bảo quản bằng cách treo lên gác bếp nhằm chống mối mọt và tạo màu đen đặc trưng do khói bếp tạo thành.
Một chiếc gùi có giá bán từ 350.000 - 500.000 đồng. Người Chăm chủ yếu làm gùi để bán hoặc trao đổi trong nội bộ cộng đồng để phục vụ việc đi rừng. Ngoài việc dùng gùi để đi rừng hoặc đựng các đồ dùng trong nhà, người Chăm còn sử dụng gùi trong các dịp tổ chức lễ hội của dân tộc hoặc dùng trong trang trí, phục vụ đạo cụ để biểu diễn văn nghệ.
Hiện nay, số người Chăm biết đan gùi ở Lạc Tánh ngày càng ít, chủ yếu đã lớn tuổi, vì vậy, triển khai Dự án 6 thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I (2021 - 2025), Bảo tàng tỉnh Bình Thuận đã triển khai một số lớp truyền dạy nghề đan lát truyền thống cho học viên người đồng bào DTTS. Qua đó, góp phần khôi phục, bảo tồn, lưu giữ văn hóa truyền thống, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào và góp phần thiết thực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.