Những người quyết giữ nghề
Amí Loan là một trong số ít người còn giữ được nghề dệt thổ cẩm truyền thống trong buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột chia sẻ, già biết dệt từ khi còn nhỏ, thời đó phụ nữ trong buôn ai cũng biết dệt thổ cẩm phục vụ gia đình, người dân trong vùng. Nhưng bây giờ cả buôn chỉ còn vài người giữ nghề dệt thổ cẩm.
Còn già làng Y Nguôn Niê ở buôn Drah 1, xã Cư Né, huyện Krông Búk biết đan gùi từ năm 13 tuổi, nay ngoài 70 tuổi già vẫn đan gùi mỗi ngày để giữ nghề. Già Y Nguôn bảo, thu nhập không được bao nhiêu nhưng già vẫn đan là vì muốn giữ nghề của cha ông.
Với mong muốn khôi phục, phát triển nghề truyền thống của đồng bào Ê Đê và giải quyết việc làm cho lao động nữ trong buôn làng, năm 2017, Hội LHPN huyện Krông Búk phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức lớp tập huấn dệt thổ cẩm cho phụ nữ DTTS. Trong đó chú trọng kỹ năng dệt hoa văn, sản phẩm phù hợp xu thế hiện đại. Hội LHPN xã Cư Né cũng đã thành lập Tổ dệt thổ cẩm truyền thống tại buôn Mùi 2, với 25 chị em. Mỗi khi có người đặt hàng, Tổ sẽ đứng ra nhận rồi khoán lại cho các thành viên với mức tiền công bình quân 300.000 - 500.000 đồng/sản phẩm.
Chị Hoàng Thị Niệm, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Cư Né, Tổ trưởng Tổ dệt thổ cẩm truyền thống buôn Mùi 2 cho biết: Từ khi thành lập Tổ hợp tác, chị em tham gia có thêm khoản thu nhập từ công việc phụ này nên cũng có tinh thần giữ nghề. Ngoài những đơn đặt hàng do Tổ nhận và khoán, nhiều chị em còn dệt bán cho người dân trong vùng mỗi tháng 1 - 2 sản phẩm.
Thiếu đội ngũ kế cận
Buôn Akô Dhông là nơi gìn giữ và bảo tồn nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Ê Đê nhất thành phố Buôn Ma Thuột với 30 ngôi nhà dài, hàng chục bộ chiêng, hàng trăm chiếc ché… Tuy nhiên, nghề truyền thống của đồng bào Ê Đê nơi đây đang dần mai một.
Hiện buôn có 67 hộ đồng bào Ê Đê, nhưng chỉ còn khoảng 4 - 5 người biết dệt thổ cẩm, vài người còn giữ nghề đan lát hầu hết đã lớn tuổi. “Thế hệ trẻ bây giờ không mấy mặn mà với nghề truyền thống, chẳng ai muốn học nghề. Mai này không biết có còn ai giữ nghề truyền thống này nữa không?”, ông Y Pun Niê Ping, Trưởng buôn Akô Dhông cho hay.
Tương tự, xã Cư Né được biết đến là nơi có nghề truyền thống dệt thổ cẩm lâu đời, với số nghệ nhân nhiều nhất huyện Krông Búk. Toàn xã có 21 thôn, buôn, trong đó đồng bào dân tộc Ê Đê chiếm hơn 60% dân số. Già Y Nguôn Niê trăn trở: Lớp trẻ ngày nay không còn ai muốn học nghề truyền thống. Bản thân già có 8 người con, nhưng cũng không vận động được con học nghề. Già cũng muốn tổ chức dạy nghề cho bà con trong buôn, cốt để giữ nghề truyền thống, nhưng không ai đến học nên cũng đành chịu.
Theo chị Hoàng Thị Niệm, Tổ trưởng Tổ dệt thổ cẩm truyền thống buôn Mùi 2, để dệt tấm thổ cẩm rộng 0,8m dài 2m mất 5 - 7 ngày, bán được 1,2 triệu đồng, trừ chi phí còn 7 trăm nghìn đồng. Tính ra, ngày công chỉ được hơn 1 trăm nghìn đồng, so với đi làm thuê mỗi ngày từ 2,5 - 3 trăm nghìn đồng thì đi làm thuê thu nhập cao hơn. Vì vậy, người trong độ tuổi lao động, có sức khỏe đều đi làm thuê chứ không làm nghề truyền thống.
Bà Nguyễn Thị Hồng Anh, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Krông Búk cho biết: Những năm qua, huyện đã phối hợp với ngành chức năng tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn, dạy nghề thủ công truyền thống cho bà con DTTS. Tuy nhiên, trong số 42 buôn DTTS trên toàn huyện chỉ vài buôn ở xã Cư Né, Cư Pơng còn một số nghệ nhân gắn bó với nghề đan gùi và dệt thổ cẩm, những địa phương còn lại đang rất khó khăn để giữ nghề.