Sẽ lại “lỡ hẹn”?
Thực tiễn trong nhiều năm qua cho thấy, công tác giảng dạy tiếng DTTS đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Qua đó, giúp học sinh DTTS phát triển năng lực ngôn ngữ, hình thành những phẩm chất tốt đẹp, có tình yêu đối với tiếng mẹ đẻ, có ý thức về cội nguồn và bản sắc dân tộc, góp phần giữ gìn, phát triển các giá trị ngôn ngữ, văn hoá của cộng đồng DTTS.
Để tiếp tục đẩy mạnh công tác dạy tiếng DTTS, ngày 27/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 142/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Nâng cao chất lượng dạy học các môn tiếng DTTS trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 - 2030” (QĐ142). Chương trình đặt ra những mục tiêu cụ thể và giao nhiệm vụ chi tiết cho Bộ GD&ĐT cũng như các Bộ, ngành, địa phương.
Trong QĐ142, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thành biên soạn bộ SGK, tài liệu hướng dẫn dạy học bậc tiểu học đối với 08 tiếng DTTS đã được ban hành trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (gồm tiếng Ba Na, Chăm, Ê Đê, Khmer, Gia Rai, Mnông, Mông, Thái) trong năm 2025. Đồng thời, bảo đảm đủ 100% SGK, tài liệu hướng dẫn dạy học bậc tiểu học đối với 08 tiếng DTTS sau khi biên soạn.
Thực tế, nhiệm vụ biên soạn bộ SGK (thử nghiệm) đã được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GD&ĐT cách đây 8 năm, tại Quyết định số 404/QĐ-TTg, ngày 27/3/2015 phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Theo Quyết định số 404/QĐ-TTg thì ngân sách nhà nước sẽ bảo đảm để Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn, thử nghiệm một bộ SGK, trong đó có SGK song ngữ (tiếng Việt - tiếng một số dân tộc ít người) đối với một số môn học ở cấp tiểu học.
Lộ trình thực hiện việc biên soạn bộ SGK được đề ra trong Quyết định số 404/QĐ-TTg là từ tháng 7/2016 đến tháng 6/2018. Nhưng theo kết quả giám sát của Đoàn giám sát về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” trình bày tại Phiên họp thứ 25 - Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 14/8/2023, nhiệm vụ biên soạn SGK song ngữ (thử nghiệm) vẫn chưa hoàn thành.
Từ thực tế này, không ít nghi ngại đặt ra cho việc hoàn thành nhiệm vụ biên soạn biên soạn bộ SGK, tài liệu hướng dẫn dạy học bậc tiểu học đối với 08 tiếng DTTS theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại QĐ142. Nếu không “chạy nước rút” mà cứ “đủng đỉnh chạy đường dài” thì Bộ GD&ĐT một lần nữa lại “lỡ hẹn” với mục tiêu chuẩn hóa bộ SGK và tài liệu để phục vụ công tác giảng dạy tiếng DTTS trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
Điều chỉnh từ gốc
Trong QĐ142, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GD&ĐT cùng các Bộ ngành liên quan hoàn thiện cơ chế, chính sách về dạy học tiếng DTTS. Trong đó, tập trung thực hiện nhiệm vụ rà soát, đánh giá các quy định pháp luật hiện hành về dạy học tiếng DTTS; nghiên cứu, đề xuất chế độ chính sách đối với người dạy và người học tiếng DTTS.
Một trong những bất cập về chính sách dạy học tiếng DTTS như bài báo trước đã đề cập là chưa có quy định vị trí việc làm của giáo viên (GV) dạy tiếng DTTS. Điều này đã được Ủy ban Dân tộc chỉ ra trong Báo cáo số 1533/BC-UBDT ngày 11/11/2020 về kết quả rà soát chính sách, pháp luật liên quan đến vùng đồng bào DTTS và miền núi. Theo Ủy ban Dân tộc, trong Nghị định số 82/2010/NĐ-CP ngày 15/7/2010 của Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của DTTS trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên không quy định vị trí việc làm của GV dạy tiếng DTTS.
“Vì không có vị trí việc làm nên các địa phương không tuyển GV dạy tiếng DTTS. Các địa phương đều sử dụng vị trí việc làm của GV tiểu học nói chung để tuyển GV, sau đó lựa chọn GV là người DTTS để điều chuyển sang giảng dạy tiếng DTTS. Do đó, các GV dạy tiếng DTTS đều thuộc vị trí việc làm của GV tiểu học”, Báo cáo số 1533/BC-UBDT khẳng định.
Chính vì vậy, để hoàn thiện cơ chế, chính sách về dạy học tiếng DTTS theo QĐ142 thì Bộ GD&ĐT cần phối hợp với Bộ Nội vụ điều chỉnh, sửa đổi “gốc” của vấn đề là xác định vị trí việc làm của GV dạy tiếng DTTS trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Đây cũng là giải pháp để thực hiện chủ trương chính sách mới của Đảng và Nhà nước được quy định tại Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/3/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK dục phổ thông.
Những nhiệm vụ được giao trong QĐ142 vẫn còn thời gian – dù không quá dài, để Bộ GD&ĐT và các Bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện. Trách nhiệm sẽ là động lực của các bên liên quan để hướng tới mục tiêu đặt ra trong QĐ 142, là đến năm 2023, ban hành sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn dạy học bậc trung học đối với những tiếng DTTS có nhu cầu và đủ điều kiện biên soạn; SGK, tài liệu hướng dẫn dạy học bậc tiểu học đối với những tiếng DTTS mới ban hành chương trình; đồng thời các cơ chế, chính sách đối với người dạy và người học tiếng DTTS được hoàn thiện, từ đó góp phần giữ gìn, phát triển các giá trị ngôn ngữ, văn hoá của cộng đồng.
Ngày 8/9/2023, Bộ GD&ĐT có Công văn số 4891/BGDĐT-GDDT gửi các Sở GD&ĐT; các trường dự bị đại học; Trường Hữu Nghị 80, Trường Hữu Nghị T78, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 đối với giáo dục dân tộc. Trong đó, đối với nhiệm vụ dạy học tiếng DTTS trong trường phổ thông, Bộ GD&ĐT yêu cầu ngoài 8 chương trình, SGK tiếng DTTS đã ban hành, đối với các địa phương có nhiều người DTTS sinh sống, Sở GD&ĐT cần chủ động, tích cực tham mưu với UBND cấp tỉnh trong việc xây dựng kế hoạch, đề án dạy học tiếng DTTS và thực hiện thủ tục đưa tiếng DTTS có đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh vào dạy học trong trường phổ thông theo quy định.