Nhộn nhịp mùa thu hái “lộc rừng”
Bình Liêu là huyện vùng cao có 96% dân số là người DTTS, nơi đây có khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp để phát triển các loại lâm sản, đặc biệt là hồi và quế. Từ Tết Nguyên đán đến hết tháng 3 là mùa thu hoạch hoa hồi. Những cánh rừng hồi thân cao vút, nhiều trái và tỷ lệ tinh dầu cao, là loại lâm sản mang lại một khoản thu nhập khá cho bà con vùng cao nơi đây.
Bước sang tháng 4, tháng 5 khi hồi đã vãn trên cành cũng là lúc quế vào vụ thu hoạch. Cây quế cũng là cây bản địa được bà con Bình Liêu trồng đan xen, gắn bó với đời sống người dân. Ngày nắng, người người, nhà nhà đi bóc vỏ quế, vận chuyển về cạo vỏ, cắt và phơi khô. Mùi thơm nồng đặc trưng của quế lan toả khắp các nẻo đường. Không chỉ thu hoạch vỏ mà cành, rễ và lá quế cũng để chưng cất tinh dầu, làm thuốc, gia vị. Hiện tại, Bình Liêu cũng đã và đang phát triển các sản phẩm tinh dầu, túi thơm từ quế.
Ở đây, cây quế đã gắn bó nhiều đời như người "bạn tri kỷ”, là "lộc” của rừng góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo và làm giàu. Nhiều gia đình coi quế là thứ "vàng xanh” quý giá, là "của để dành” cho con cháu muôn đời sau.
Chị La Thị Bàng, thôn Bản Chuồng, xã Lục Hồn vừa rảo chân lên rừng để cạo quế, vừa chia sẻ với phóng viên, cây quế có thể khai thác nhiều lần, bán từ vỏ đến thân, lá. Hiện nay, gia đình chị còn khoảng 1ha rừng quế đang cho thu hoạch.
“Mỗi ngày, trung bình một người có thể bóc được hơn 40kg vỏ quế. Từ đầu vụ đến nay, gia đình tôi đã thu hoạch và bán được gần 30 triệu đồng tiền quế. Thu nhập từ quế giúp tôi cũng như nhiều gia đình khác trang trải cuộc sống hằng ngày và nuôi các con ăn học. Năm nay, gia đình tôi lại tiếp tục trồng thêm hơn 1 vạn cây quế để vừa phủ xanh rừng, vừa tăng thu nhập cho gia đình”.
Cần quy hoạch để phát triển bền vững
Tại xã Húc Động, khoảng 50% số hộ dân đang trồng quế, hồi với tổng diện tích khoảng hơn 1.000ha. Nguồn thu từ rừng ổn định, quế, hồi được chăm sóc tốt sẽ cho sản lượng cao. Gia đình anh Chìu Tắc Lò, thôn Sú Cáu, xã Húc Động, có 4ha trồng quế và hồi. Nguồn thu từ quế và hồi đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình mỗi năm. “Ba vụ quế, hồi gần đây gia đình tôi có nguồn thu khoảng 500 triệu đồng. Tôi nghĩ nguồn thu từ quế và hồi khá ổn định, nếu mình chịu khó chăm sóc thì sẽ đạt sản lượng cao”, anh Lò chia sẻ thêm.
Trên thực tế, người dân Bình Liêu có thể thu về hàng trăm triệu đồng/ha, có gia đình thu nhập cả tỷ đồng/năm từ quế và hồi. Địa phương cũng đang nỗ lực nâng cao chất lượng và giá trị các sản phẩm từ quế, hồi thông qua chế biến, xây dựng thương hiệu và hướng tới phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng.
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Liêu, diện tích rừng trồng hồi với hơn 8 nghìn ha; chiếm 28,6% diện tích rừng trồng toàn huyện. Sản lượng hồi khô trung bình 3 năm gần đây đạt trên 800 tấn, kinh phí khoảng 120 tỷ đồng/năm. Diện tích rừng trồng quế khoảng 680ha, chiếm 2,2% diện tích rừng trồng toàn huyện. Sản lượng thu hoạch hằng năm trên 390 tấn vỏ quế khô, kinh phí khoảng 39 tỷ đồng/năm.
“Để nâng cao năng suất, chất lượng quế, hồi trong thời gian tới, huyện Bình Liêu tăng cường tuyên truyền, vận động, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng thâm canh cây hồi, cây quế theo hướng hữu cơ; thu hút doanh nghiệp liên kết với người dân trên địa bàn, đầu tư cơ sở chế biến tinh dầu để gia tăng giá trị sản phẩm; đề xuất Sở Khoa học Công nghệ thực hiện nhiệm vụ xây dựng chỉ dẫn địa lý cây hồi Quảng Ninh”, bà Lê Thị Thu Hương, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Bình Liêu nhấn mạnh.