Nghệ sĩ Ưu tú Thạch Mô Ly, Trưởng Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu cho biết, người Khmer có 2 loại hình múa: Múa sinh hoạt cộng đồng hay gọi là múa dân gian và múa sân khấu cung đình. Múa cung đình của người Khmer rất uyên thâm, trang trọng và mang tính cổ kính. Múa dân gian với những động tác thoải mái, lạc quan, yêu đời và luôn có tính chất hóm hỉnh. Người Khmer từ khi còn nhỏ đã thấm vào máu những điệu múa dân gian do ông bà chỉ dạy, những điệu múa này hầu như người Khmer nào cũng biết. Ngày nay, loại hình múa dân gian vẫn được gìn giữ và lưu truyền rộng rãi trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng phum, sóc. Vào những dịp lễ, tết truyền thống của dân tộc hay nghi thức mừng nhà mới, đám cưới, người Khmer thường tổ chức múa hát tập thể, tạo nên không khí giao lưu phấn khởi, đoàn kết trong cộng đồng.
Các điệu múa dân gian tiêu biểu của đồng bào Khmer Nam Bộ có các động tác khá đơn giản nên mọi người dễ bắt chước để có thể hòa nhập được ngay. Vào những dịp lễ, tết truyền thống của dân tộc, khi tiếng trống hoặc nhạc ngũ âm vang lên, từng đôi trai gái, già trẻ cùng uyển chuyển hòa mình vào những điệu múa tập thể rất mềm mại và duyên dáng.
Theo nghệ sĩ Thạch Chăm Rơn, Trưởng Đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng: Điệu múa sinh hoạt đầu tiên được nhiều người biết đến là Răm vông hay còn gọi là múa lâm thôn, có nghĩa là múa vòng tròn, từng đôi trai gái vừa múa, vừa quay lại nhìn nhau thật tình tứ, thể hiện sự quấn quýt. Các động tác của nữ khi múa lượn 2 cánh tay ra trước ngực, còn nam thì lượn cánh tay rộng ra như để che chở cho người bạn múa của mình. Kết hợp với chân, chân nào phía trước thì tay đó ở dưới thấp và ngược lại.
Tiếp theo là múa Lăm leo còn gọi là múa Lào.Điệu múa này có phần sôi động, rộn rã về tốc độ và các động tác trong khi múa. Động tác múa cũng giống như Răm vông, một tay chíp hay còn gọi là bắt - lòng bàn tay ngửa lên trên, dùng ngón tay cái và ngón trỏ áp sát vào nhau bằng một lực đủ căng 3 ngón; một tay rồn hay còn gọi là che - dùng một lực áp sát các ngón vào nhau như tư thế che nắng nhưng bằng lòng bàn tay, và cứ hoán chuyển tư thế đó giữa hai tay trong các bước chân, thể hiện sự kết hợp hài hòa của người biểu diễn.
Một điệu múa sôi động khác là múa saravan. Động tác múa chủ đạo là nhấn cổ tay theo từng phách nhạc. Đặc điểm thường múa theo vòng, múa hàng, múa đôi hay múa đối mặt nhau theo đội hình hàng ngang đuổi nhau theo lối lên xuống hay trái phải. Vị trí hai tay có lúc dang rộng ngang vai, lúc thả buông xuôi theo thân người, có lúc hai tay chéo nhau trước bụng và hai cổ tay nhấn đều như chim én vỗ cánh.
Ngoài các điệu múa tiêu biểu trên, trong nghệ thuật múa dân gian còn có các điệu khác như: Múa xúc tép sử dụng dụng cụ là chiếc xà niêng (chniêng), múa gáo dừa (khôs trolôt), múa gặt lúa (casêko), múa trống sadăm, múa Yak (múa Chằn), múa mở rào trong nghi lễ cưới của người Khmer…
Nghệ sĩ Ưu tú Thạch Thị Thane, Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh (Trà Vinh) chia sẻ: Các điệu múa dân gian gần gũi với mọi người nên du khách có thể dễ dàng hòa chung không khí tại các buổi biểu diễn của đồng bào Khmer. Tuy vậy, khi tham gia múa, mọi người cũng phải tuân theo một số nguyên tắc nhất định: Người ít tuổi, địa vị thấp hơn sẽ ra múa trước, sau đó mới tiến đến mời các vị quan khách, người cao tuổi ra múa giao lưu. Đội hình múa di chuyển càng nhiều vòng, động tác múa càng nhanh hơn theo nhịp trống. Khi trống ngừng, mọi người cùng dừng lại chắp tay chào nhau rồi trở về vị trí cũ. Đặc điểm múa lâm thôn là múa nhấp chân ở phía sau”.
Hầu hết các điệu múa dân gian của đồng bào Khmer đều có tính vui nhộn, được thể hiện qua sự phối hợp nhịp nhàng, sinh động của các động tác tay chân theo từng điệu nhạc.
Hiện nay, múa dân gian của người Khmer đã phát triển cả về thể loại, số lượng, chất lượng với phong phú các đề tài ca ngợi cuộc sống hiện tại. Nền nghệ thuật múa độc đáo ấy không dừng lại với những tác phẩm đơn lẻ mà gần đây đã xuất hiện kịch múa với những cốt truyện hấp dẫn đã được đánh giá cao (đạt Huy chương Vàng) trong các hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc.