Mừng rơi nước mắt
Đó là câu nói chúng tôi được nghe, trong những chuyến công tác ở Cao Bằng những ngày cuối năm 2020. Bởi bao năm qua, dù Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng thi đua lao động sản xuất, nỗ lực xây dựng quê hương và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế - xã hội (KT-XH)… tuy nhiên, rảo cản lớn nhất là địa hình đồi núi chia cắt, hạ tầng giao thông yếu kém, cản trở sự thông thương giữa Cao Bằng với các địa phương trong vùng, với Hà Nội, với nhà đầu tư và bạn bè quốc tế.
Những tưởng sự nghèo khó sẽ còn đeo bám dài lâu nhiều thế hệ người Cao Bằng. Nhưng đầu tháng 10/2020 vừa qua đường cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) với chiều dài hơn 115km, tổng vốn đầu tư dự kiến trên 21.000 tỷ đồng đã chính thức khởi công, với điểm đầu là thị trấn Đông Khê, huyện Thạch An - địa danh lịch sử gắn liền với Chiến thắng Biên giới Thu Đông năm 1950.
Niềm vui sướng hiện lên trên nét mặt rạng ngời của người dân, khi nhìn thấy tương lai gần hiện hữu một con đường thoát nghèo, một cơ hội đổi đời. Ngày khởi công con đường, dù đã gần 80 tuổi, nhưng ông Nông Văn Đức, lão thành cách mạng cùng bà con thị trấn Đông Khê và Nhân dân các xã trong huyện Thạch An có mặt tại Lễ khởi công từ sáng sớm.
“Mừng rơi nước mắt cháu à! Sau bao nhiêu năm, hôm nay mới đã có một con đường lớn nối từ Cao Bằng về xuôi. Giao thông thuận tiện, đồng bào mình có nhiều cơ hội để phát triển, giao thương hàng hóa”, ông Đức rưng rưng.
Cùng chung niềm phấn khởi này, bà Hoàng Thị Bình, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật tỉnh Cao Bằng bày tỏ: Cao Bằng không có đường thủy, không có đường sắt, mơ ước về đường hàng không có lẽ còn rất dài. Chỉ có đường bộ là con đường sống còn. Để “Cao Bằng phấn đấu cao bằng người” như lời Bác Hồ dặn, tôi nghĩ rằng từ lâu các thế hệ lãnh đạo Cao Bằng đã nhìn thấy tầm quan trọng của các tuyến đường và khóa này, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã cụ thể hóa điều đó bằng sự quyết liệt, khẩn trương tháo gỡ điểm nghẽn, cản trở lớn nhất của sự phát triển KT-XH. Đó là kết cấu hạ tầng giao thông bằng con đường cao tốc”.
Hiện thực hóa ước mơ
Dừng chân trên đèo Bông Lau (huyện Thạch An), nhìn xuống một vùng núi đồi bạt ngàn màu xanh no ấm trong tiết trời Xuân, trong đất trời bao la, càng thấy tin tưởng về một ngày mai tươi sáng trên mảnh đất cách mạng. Vùng đất nghèo khó khi xưa bị chia cách bởi địa hình đồi núi sẽ được bù đắp bằng con đường cao tốc huyết mạch.
Bên thềm Xuân mới Tân Sửu 2021, Chủ tịch tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh không giấu được niềm vui nói, rất nhiều thế hệ lãnh đạo và Nhân dân Cao Bằng trăn trở và mong muốn có tuyến đường cao tốc kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong cả nước để phát triển kinh tế. Tuyến cao tốc hoàn thành sẽ rút ngắn quãng đường di chuyển và thời gian đi lại từ Lạng Sơn đến Cao Bằng, chỉ còn khoảng hơn 1 giờ so với 3 giờ như hiện nay. Đồng thời, kết nối 3 cửa khẩu quan trọng tại Lạng Sơn (Hữu Nghị, Cốc Nam, Tân Thanh) với cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng); rút ngắn một nửa thời gian từ Cao Bằng về Hà Nội và Hải Phòng; kết nối giao thương từ cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) qua Trung Quốc, Kazakhstan sang châu Âu.
Tuyến cao tốc không chỉ giúp Cao Bằng thu hút thêm các nhà đầu tư, trở thành điểm trung chuyển hàng hóa quan trọng, mà hứa hẹn sẽ tạo ra sự chuyển mình mạnh mẽ cho kinh tế khu vực Đông Bắc. Việc sớm triển khai đầu tư các tuyến đường giao thông kết nối, nhất là tuyến đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh là rất cấp thiết, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh - quốc phòng đất nước. Đây không chỉ là con đường thoát nghèo, mà còn giúp Cao Bằng trở thành trọng điểm kinh tế cửa khẩu trong thời gian tới.
Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được thiết kế quy mô 4 làn xe, vận tốc 80km/h. Giai đoạn 1 (2020 - 2024) đầu tư 93km từ cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) đến Phúc Sen, Quảng Hòa (Cao Bằng); Giai đoạn 2 (sau 2025) đầu tư 22km từ Quảng Hòa đến cửa khẩu Trà Lĩnh.