Huyện Lệ Thủy có 03 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số là Kim Thủy, Lâm Thủy và Ngân Thủy. Nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Bru- Vân Kiều sinh sống với 916 nhân khẩu. Thời gian qua, chính quyền địa phương đã luôn chú trọng đến việc chuyển đổi mô hình trồng trọt, chăn nuôi để giúp bà con thoát nghèo.
Trước đây, đồng bào Vân Kiều đã quen với phương thức canh tác phát – đốt – cốt -rỉa, nhờ được hướng dẫn phương thức canh tác mới, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật thay cho phương thức lạc hậu trước đây, vựa lúa của xã Ngân Thủy đã đạt sản lượng hơn 450 tấn. Đặc biệt giống lúa nếp than bản địa đạt giá trị cao gấp 3 lần so với các giống lúa được gieo trồng trước đó. Xã Ngân Thủy tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ bà con mở rộng diện tích lúa nếp than và định hướng xây dựng lúa nếp than thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương.
Sau khi có nguồn thu ổn định từ cây lúa, bà con Vân Kiều ở xã Ngân Thủy được chính quyền địa phương hỗ trợ để phát triển thêm các loại nông sản khác như lạc, khoai lang, ngô… cùng mô hình chăn nuôi gia súc, kết hợp mô hình trang trại nông-lâm-ngư nghiệp đào ao thả cá. Đến nay, các loại cây nông sản được bà con chăm sóc sinh trưởng tốt, năng suất cao. Số lượng ngan đen, gà được nuôi tại các hộ gia đình cũng tăng nhanh về số lượng giúp cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống của bà con dân tộc nơi đây.
Tại xã Lâm Thủy, gia đình anh Nguyễn Văn Thạch (bản Km14) từng chuyển đổi từ quy mô chăn nuôi nhỏ sang tập trung để phát triển kinh tế. Đến nay gia đình anh đã có 50 con lợn rừng bản địa mỗi năm xuất được 3 lứa đem về thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Trang trại của gia đình anh Thạch còn mở rộng quy mô chăn nuôi thêm đàn trâu bò tổng cộng 15 con.
Toàn xã Lâm Thủy hiện có 637 con trâu, 1.285 con bò cùng hàng nghìn gia cầm các loại. Nhờ được chính quyền địa phương hướng dẫn thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh nên đàn gia súc, gia cầm sinh trưởng tốt. Ngoài ra, xã Lâm Thủy còn có 23,5ha diện tích nuôi cá của 125 hộ tham gia...
Chính quyền huyện Lệ Thủy cũng đã triển khai các mô hình trồng trọt và chăn nuôi trên địa bàn xã miền núi Kim Thủy gồm: 2,5 ha mít ruột đỏ tại bản Chuôn, bản Hà Lẹc; 1,5 ha khoai môn tại bản Cây Bông, Chuôn, Cồn Cùng; mô hình chăn nuôi dê sinh sản, bò sinh sản, nuôi ngan đen…
Vợ chồng anh Hồ Văn Sửu sống tại bản An Bai – một trong những vùng khó khăn nhất của xã Kim Thủy đã được tham gia mô hình sinh kế cùng đàn dê sinh sản. Vợ chồng anh Sửu cho biết từ đàn dê giống được hỗ trợ, áp dụng kiến thức chăm sóc của cán bộ thú y hướng dẫn, nay gia đình anh đã có thêm 5 con dê.
Cùng với anh Sửu, 2 hộ dân khác ở bản An Bai và Hà Lạc cũng được hỗ trợ mô hình nuôi dê sinh sản. Theo đó, mỗi hộ sẽ được hỗ trợ 8 con dê cái và 1 con dê đực cùng với các kiến thức chăm sóc, phòng bệnh cho dê. Các cán bộ sẽ bám sát từng hộ dân để hỗ trợ kịp thời trong quá trình chăm sóc dê sinh trưởng. Người dân được hướng dẫn từ cách xây chuồng trại, chăn thả, cách cho ăn thức ăn tự nhiên… để đảm bảo dê sinh trưởng tốt nhất
Gia đình chị Hồ Thị Lý ở bản Chuôn cũng là một trong số các gia đình dân tộc thiểu số khó khăn tham gia mô hình nuôi ngan đen. Chính quyền địa phương hỗ trợ gia đình chị Lý 35 con ngan giống cùng thức ăn, thuốc và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Hiện tại đàn ngan của gia đình chị sinh trưởng tốt, giống ngan này được thị trường ưa chuộng, chị Lý cho biết sẽ lấy vốn từ việc bán ngan để mở rộng mô hình chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình.
Thành công của những mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sẽ là tiền đề bà con dân tộc thiểu số trong vùng và các địa phương lân cận học hỏi, áp dụng vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.