Nậm Ban là một trong những xã được hưởng lợi từ CT135. Năm 2015, công trình cấp điện cho thôn Nà Poòng được hoàn thành mang lại niềm tin, khát vọng mới cho đồng bào DTTS. Anh Lý A Niếm, người dân thôn Nà Poòng phấn khởi kể: Từ khi có điện, gia đình anh đã mua sắm thêm một số đồ dùng trong gia đình như quạt điện, ti vi... Nhờ đó, biết được nhiều thông tin bổ ích, áp dụng vào đời sống, lao động và sản xuất, cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn trước.
Theo ông Đỗ Tiến Đạt, Chủ tịch UBND xã Nậm Ban: Khi điện được kéo đến thôn xóm, bà con Nhân dân có cơ hội được sử dụng nhiều thiết bị như: Ti vi, máy xay xát, máy bơm, máy băm cỏ. Từ đó, bà con được nâng cao dân trí, góp phần nâng cao năng suất lao động, phát triển kinh tế tăng thu nhập…
Còn tại xã Pải Lủng, từ nguồn vốn của CT135, năm 2020, anh Lầu Mí Sáng, thôn Thình Lủng được hỗ trợ 01 con bò sinh sản. Nhờ chăm sóc đúng quy trình, được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật, con bò của gia đình anh Sáng đã đẻ được hai con bê con. “Đây là nguồn tài sản lớn nhất mà gia đình tôi có được từ trước tới nay. Từ hướng phát triển sản xuất này, nay mai gia đình sẽ thoát khỏi hộ nghèo ”, anh Sáng chia sẻ.
Anh Sáng là một trong 21 hộ gia đình nghèo trên địa bàn xã Pải Lủng được hỗ trợ bò từ dự án nhân rộng mô hình nuôi bò sinh sản, với tổng kinh phí 260 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ sản xuất thuộc CT135.
“Dự án được triển khai trên địa bàn xã, đã giúp các hộ nghèo có nguồn lực, có kiến thức. Từ đó, thay đổi dần tư duy về sản xuất chăn nuôi; có ý chí vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”, ông Lý Văn Đông, Chủ tịch UBND Pải Lủng cho biết.
Với 17 xã và 6 thôn thuộc diện đầu tư theo CT 135, trong giai đoạn 2016-2020, đã có trên 122 tỷ đồng được huyện Mèo Vạc đầu tư, triển khai thực hiện 3 tiểu dự án: Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã ĐBKK, xã biên giới; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở…
Từ nguồn lực của CT135, với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, ý thức tự giác, nỗ lực vươn lên của đồng bào, kết cấu hạ tầng trên địa bàn huyện Mèo Vạc đã có nhiều thay đổi tích cực. Điện, đường, trường, trạm được đầu tư, nâng cấp; nhiều mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả được duy trì, như mô hình nuôi bò, lợn sinh sản, nuôi bò vỗ béo, nuôi ong lấy mật, trồng lúa đặc sản… Nhờ đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt.
Trong 5 năm (2015-2020), tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm bình quân 6%/năm; các xã biên giới, xã ĐBKK có tỷ lệ giảm trung bình 6,2%/năm; thu nhập bình quân đầu người/năm toàn huyện tăng từ 9 triệu đồng (năm 2015) lên 20,56 triệu đồng (năm 2020).
Theo bà Mua Hồng Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, CT135 đã giúp người nghèo, hộ nghèo, cận nghèo và hộ đồng bào DTTS của huyện Mèo Vạc có thêm động lực thoát nghèo. Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân có sự chuyển biến rõ rệt; đặc biệt người nghèo đã nhận thức rõ trách nhiệm của bản thân và chủ động tiếp cận chính sách, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước để vươn lên thoát nghèo.