Đi đầu trong phát triển kinh tế
Phát huy vai trò, những năm qua Người có uy tín ở tỉnh Lâm Đồng luôn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực lao động sản xuất, thực hiện và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay, con giống Nhà nước hỗ trợ, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế trang trại.
Tấm gương tiêu biểu phải kể đến là ông K’Úk (57 tuổi); ngụ thôn Ròn, xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương, ông được biết đến là vị trưởng thôn, Người có uy tín và là nông dân sản xuất giỏi với mô hình chăn nuôi bò sữa.
Theo ông K’Úk, trước đây, gia đình ông làm ruộng và chăn nuôi bò vàng. Tuy nhiên, thu nhập đem lại không cao, công việc rất vất vả. Sau khi tìm hiểu thông tin, năm 2010, ông đã mạnh dạn đầu tư hơn 100 triệu đồng để mua bò sữa, rồi làm chuồng trại, từng bước sắm sửa các thiết bị máy móc phục vụ việc nuôi bò sữa. Đến nay, gia đình ông đã có trên 10 con bò sữa, trong đó có 8 con đang cho sữa với thu nhập ổn định hằng tháng.
Với vai trò là Người có uy tín, ông K’Úk luôn vận động, hướng dẫn bà con tăng gia sản xuất và chia sẻ kinh nghiệm nuôi bò của ông cho mọi người. Tiếp bước từ nghề nuôi bò sữa của ông K’Úk, nhiều hộ dân trong thôn đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Cũng giống như K’Úk, ông Đa Cát Hà Dương, Người có uy tín thôn Liêng K’Rắk II, xã Đạ M’rông, huyện Đam Rông, người đi đầu trong việc trồng dâu nuôi, nuôi tằm, không những đem lại thu nhập ổn định cho gia đình, ông còn giúp nhiều hộ trong thôn phát triển kinh tế từ việc nuôi tằm bán kén.
Không chỉ là người làm ăn giỏi, ông Hà Dương còn tuyên truyền, vận động bà con xây nhà theo hàng lối, giữ gìn vệ sinh môi trường và đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn minh, lịch sự. Người có uy tín Đa Cát Hà Dương luôn được bà con yêu mến, tôn trọng, tin tưởng vì ông là tấm gương trong mọi phong trào, hoạt động...
Ông K’Úk và Đa Cát Hà Dương là hai trong số 479 Người có uy tín trong vùng DTTS tỉnh Lâm Đồng, họ đã có những đóng góp thiết thực trên mọi lĩnh vực của đời sống, là cánh chim đầu đàn giúp người dân phát triển kinh tế, xây dựng quê hương giàu đẹp.
Quan tâm, đồng hành cùng Người có uy tín
Hiện tỉnh Lâm Đồng có 479 Người có uy tín, trong đó, 467 người là người DTTS, 12 người còn lại là người Kinh. Những người có uy tín này phần lớn là già làng, trưởng thôn, chức sắc tôn giáo, nhà giáo, thầy thuốc...
Bên cạnh đội ngũ những Người có uy tín này, Lâm Đồng còn có trên 2.000 người là nhân sĩ, trí thức và trên 170 doanh nhân là người DTTS đang có tầm ảnh hưởng và vai trò không nhỏ trên rất nhiều lĩnh vực đời sống xã hội ở vùng DTTS hiện nay.
Theo thông tin từ Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng, kinh phí được cấp đầu năm 2022 tại Quyết định số 2924/QĐ-UBND ngày 21/12/2021 của UBND tỉnh là hơn 2,7 tỷ đồng, Ban Dân tộc và các huyện, thành phố đã tổ chức nắm tình hình sản xuất, đời sống, tình hình đón Tết nguyên đán và Tết cổ truyền của Nhân dân vùng DTTS để thăm hỏi, tặng quà nhân dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 cho những Người có uy tín trong đồng bào DTTS tại 12 huyện, thành phố trong tỉnh.
Trong năm 2022, đã cấp, phát 56.882 tờ báo địa phương (Báo Lâm Đồng) và 23.900 tờ báo Dân tộc và Phát triển cho Người có uy tín. Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức 2 lớp tập huấn cung cấp thông tin cho Người có uy tín tại huyện Đức Trọng và TP.Bảo Lộc, với 358 người tham gia; tổ chức đoàn tham quan học tập kinh nghiệm tại các tỉnh miền Trung như: Huế, Quảng Ngãi, Phú Yên cho Người có uy tín, với 21 người tham gia; tiếp nhận điện thoại của quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn VinGroup) hỗ trợ cho 39 điện thoại đến Người có uy tín theo danh sách lựa chọn của Ủy ban Dân tộc.
Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng tiếp tục tăng cường công tác cơ sở, để nắm tình hình sản xuất và đời sống vùng đồng bào DTTS trên địa bàn toàn tỉnh; đôn đốc các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ thuộc lĩnh vực dân tộc; nắm bắt tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào DTTS; kiên quyết không để các thế lực thù địch lợi dụng, kích động, xuyên tạc, chống phá; không để việc lợi dụng chính sách dân tộc, tôn giáo gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung được giao làm chủ đầu tư thuộc các Dự án, Tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi hàng năm gồm: đào tạo nâng cao năng lực cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp; bồi dưỡng tiếng dân tộc và kiến thức dân tộc; chính sách đối với Người có uy tín; chính sách giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống…
“Năm 2023 tới, chúng tôi sẵn sàng tiếp đón các đoàn đại biểu Người có uy tín của tỉnh và các tỉnh bạn đến thăm và làm việc tại Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng; Chủ trì phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố phối hợp chỉ đạo cơ sở rà soát, bình chọn đề nghị danh sách Người có uy tín đảm bảo công khai, chính xác, khách quan đúng quy trình theo quy định”, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Đức Tài cho biết.