Cụ thể, tại phiên họp, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã thảo luận về các nội dung: Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022; về việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia.
Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến của các ĐBQH nhất trí với việc đánh giá kết quả thực hiện chính sách tài khóa, quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021, kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, nhất trí về sự cần thiết tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2%, giao danh mục mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, giao điều chỉnh bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 của Chương trình mục tiêu quốc gia.
Phát biểu về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, đại biểu Lý Thị Lan (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang) bày tỏ đồng tình với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách. Đại biểu cho rằng, kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã thể hiện sự chủ động, quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo quyết liệt công tác hoàn thiện thể chế, góp phần thực hiện hiệu quả công tác này.
Đại biểu Lý Thị Lan cho biết, tình trạng nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật quy định, hướng dẫn chi tiết vẫn chưa được khắc phục, dẫn đến khó khăn trong triển khai thực hiện các kế hoạch, nhiệm vụ. Đại biểu nhấn mạnh, việc chậm trễ này gây lãng phí cơ hội thực hiện chương trình, cũng là lãng phí cơ hội của người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS, miền núi trong việc thụ hưởng các chính sách của nhà nước.
Theo đó, Đại biểu Lý Thị Lan kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, giảm thiểu lãng phí trong sắp xếp tổ chức bộ máy, khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra để nâng cao hơn nữa kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Về vấn đề giải ngân vốn để thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Đại biểu Nàng Xô Vi (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) cho rằng việc quản lý về sử dụng vốn ngân sách Trung ương còn bất cập, nên nhiều địa phương chưa thực hiện hiệu quả nguồn ngân sách... Theo đó, Đại biểu đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm tham mưu thực hiện việc giao thông báo dự kiến kế hoạch vốn sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025. Việc làm này là để địa phương có cơ sở hoàn thiện kế hoạch thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 cũng như là rà soát và cân đối nguồn lực của địa phương để đối ứng, lồng ghép thực hiện theo quy định.
Đại biểu đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần quan tâm hỗ trợ và tạo điều kiện phù hợp đối với các địa phương không thể cân đối đủ nguồn lực đối ứng thực hiện các chương trình theo quy định hiện nay. Xem xét thống nhất chủ trương cho phép địa phương thực hiện điều chuyển nguồn lực nguồn vốn sự nghiệp giữa các dự án thuộc các chương trình bảo đảm phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tiễn của từng địa phương.
“Tôi tha thiết mong Chính phủ có chính sách hỗ trợ phù hợp với các đối tượng trong thời gian chuyển tiếp của chính sách từ các xã khu vực 2, khu vực 3 nay chuyển lên khu vực 1 theo Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời sớm hoàn thành việc đánh giá có lộ trình hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn và thu nhập thấp không được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế do việc điều chỉnh chính sách các xã, thôn khu vực khó khăn, khu vực đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi”, đại biểu Nàng Xô Vi nhấn mạnh.
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên giải trình, làm rõ nội dung các ĐBQH quan tâm.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trong phiên thảo luận đã có 19 đại biểu phát biểu, còn 17 đại biểu đăng ký nhưng chưa phát biểu, đề nghị gửi văn bản đến Ban Thư ký để tổng hợp ý kiến. Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã giải trình, làm rõ các vấn đề ĐBQH quan tâm.
Ý kiến của các ĐBQH đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tại hội trường, các ý kiến thảo luận tại tổ để xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình, hoàn chỉnh các dự thảo Nghị quyết, đưa các nội dung quan trọng về thực hành tiết kiệm chống lãng phí, giảm thuế giá trị gia tăng vào Nghị quyết chung của Kỳ họp để xem xét, thông qua.