Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đánh giá cao nỗ lực của cả hệ thống chính trị, toàn đảng, toàn quân, toàn dân, của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Chính phủ, các ngành các cấp và ghi nhận đóng góp to lớn của cả dân tộc, kiều bào ta ở nước ngoài, bạn bè quốc tế để vượt qua những khó khăn, thách thức năm 2022, kinh tế nước ta đạt kết quả khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực.
Các ĐBQH thống nhất với nhiều nội dung nêu trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội về kinh tế - xã hội, Ngân sách nhà nước năm 2022, các tháng đầu năm 2023 và chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.
Các đại biểu cũng đề nghị triển khai các giải pháp miễn giảm, gia hạn thuế phí, giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; các giải pháp để giữ vững sự phát triển ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, thị trường tiền tệ, bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; xử lý nợ xấu, xử lý các ngân hàng yếu kém; bảo đảm cân đối cung - cầu, điều hành, bình ổn giá phù hợp; bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa, cân đối về điện, than, xăng dầu.
Đại biểu, Hòa thượng Thích Thanh Quyết (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh) đề nghị trong thời gian tới, Chính phủ cần chú trọng tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Phát huy vai trò của thị trường trong nước, bên cạnh đó, quan tâm hơn nữa đến phát triển bền vững kinh tế - xã hội, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Đồng thời, Hòa thượng Thích Thanh Quyết đề nghị Chính phủ đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, không ban hành các chính sách, các quy định mới để làm phát sinh thủ tục, chi phí, thời gian; đặc biết là phân cấp, phân quyền mạnh hơn nữa xuống cấp dưới để cấp dưới chủ động trong thực thi nhiệm vụ. Tiếp tục triển khai một cách đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, giữ vững môi trường hòa bình ổn định, tranh thủ nguồn lực bên ngoài để cho phát triển đất nước.
Trước tình trạng nhiều công chức, thầy thuốc, thầy giáo xin nghỉ việc trong thời gian ngắn vừa qua cần phải được đánh giá nguyên nhân một cách khách quan, có giải pháp tháo gỡ kịp thời tránh thiếu thầy một cách cục bộ. Tiếp tục quan tâm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc vùng miền; hoàn thiện chính sách lao động tiền lương, đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt, thực hiện nhanh mạnh, có hiệu quả chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
Quan tâm đến phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi, Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu) cho rằng ngoài 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) đang triển khai có nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ riêng cho vùng đồng bào DTTS. Nhờ đó đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng lên. Tuy nhiên, qua triển khai ở địa phương, nhiều chính sách còn tản mạn, có nội dung chồng chéo, chưa được hệ thống hóa và chưa có tính đột phá, có chính sách chưa được ban hành.
Đại biểu Hoàng Quốc Khánh nêu rõ, đến nay còn 4 chính sách chưa được ban hành, đó là chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm để thanh niên DTTS sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng và đào tạo nghề; chính sách xóa bỏ hủ tục vùng đồng bào DTTS và miền núi; chính sách phát hiện, quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là người DTTS; các chính sách đặc thù tuyển dụng công chức, viên chức đối với người DTTS rất ít người, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.
Theo đó, Đại biểu Hoàng Quốc Khánh đề nghị Chính phủ sớm triển khai xây dựng chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển, chỉ đạo rà soát các chính sách còn chồng chéo, tập trung nguồn lực đầu tư tránh dàn trải, hướng tới bền vững. Về 3 Chương trình MTQG, đề nghị tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ vướng mắc, tập trung giải quyết trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến 18 bộ ngành, sớm hoàn thành việc tham mưu sửa đổi Nghị định 27 của Chính phủ vì đây là khung pháp lý xương sống của 3 Chương trình MTQG.
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã giải trình, làm rõ một số nội dung ĐBQH quan tâm.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, sau 1,5 ngày họp tại hội trường, đã có 75 ĐBQH phát biểu, có 13 đại biểu tham gia tranh luận, 6 Bộ trưởng, trưởng ngành đã giải trình, làm rõ các vấn đề ĐBQH quan tâm. Không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm, các ý kiến phong phú, toàn diện, sâu sắc về các vấn đề kinh tế, xã hội của đất nước và các vấn đề cử tri, ĐBQH quan tâm.
Các ý kiến của các ĐBQH đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan của Chính phủ, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội trường, các ý kiến thảo luận tại tổ để đưa các nội dung quan trọng về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Agribank vào Nghị quyết chung của kỳ họp gửi đại biểu cho ý kiến và trình Quốc hội xem xét, thông qua.