Tham gia Đoàn khảo sát có các doanh nghiệp du lịch; cơ quan truyền thông, báo chí; đại diện tổ chức, cá nhân khai thác dịch vụ du lịch và cộng đồng các thôn, làng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.
Trong thời gian 5 ngày (từ ngày 12 - 16/11) Đoàn sẽ khảo sát thực tế tại điểm du lịch cộng đồng làng Lê Văng gắn với thác Siu Puông, xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông; thác Đăk Chờ, xã Đăk Man, huyện Đăk Glei; Làng du lịch cộng đồng Đăk Răng, xã Đắk Dục và Làng văn hóa Đắk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi; điểm du lịch làng chài Sê San gắn với bảo tồn nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện Sê San 4, xã Ia Tơi, huyện Ia Hdrai; điểm du lịch thôn Kon Chênh, xã Măng Cành và thôn Kon Vơng Kia, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông; làng Chốt, thị trấn Sa Thầy và làng Ba Rờ Gốc, xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy; làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu, xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum…
Tại các điểm tham gia khảo sát, các thành viên trong Đoàn có những trao đổi, thảo luận và đóng góp ý kiến để các khu, điểm du lịch tiếp tục khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, nâng cao chất lượng phục vụ để thu hút du khách.
Chương trình khảo sát nhằm đánh giá thực trạng, tiềm năng và định hướng khai thác, phát triển điểm đến và sản phẩm du lịch đặc trưng vùng đồng bào DTTS và miền núi, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch dựa trên khai thác thế mạnh của các giá trị văn hóa truyền thống khu vực vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Kon Tum là tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới, nằm ở Bắc Tây Nguyên, có đường biên giới dài 292,5 km (giáp Lào 154,2 km, giáp Campuchia 138,3 km). Kon Tum cũng là nơi giao thoa của nhiều tuyến giao thông đường bộ quan trọng của Việt Nam (Đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 24, Quốc lộ 40B…), nơi có địa danh độc đáo “Cột mốc Quốc giới Việt Nam - Lào - Campuchia” và trở thành biểu tượng cho tình đoàn kết hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa ba nước Đông Dương.
Với 43 thành phần dân tộc cùng sinh sống; mỗi dân tộc đều có những nét văn văn hóa độc đáo, đặc trưng riêng với đầy đủ các loại hình như: Tiếng nói, chữ viết, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian, bao gồm âm nhạc, múa, hát, sân khấu và các hình thức trình diễn dân gian khác, trong đó phải kể đến Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 27 di tích lịch sử cách mạng, văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được các cấp xếp hạng là di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt. Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh Kon Tum phát huy tiềm năng phát triển du lịch.