Hội tụ tiềm năng, thế mạnh
Lạng Sơn, mảnh đất địa đầu Tổ quốc với hệ thống di tích lịch sử dày đặc, các loại hình di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, cùng phong tục, tập quán độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số tạo nên "cú huých" lớn cho du lịch phát triển. Toàn tỉnh sở hữu hệ thống hơn 330 di tích, danh thắng nổi tiếng như: thành nhà Mạc, đền Mẫu Đồng Đăng, khu di tích lịch sử Chi Lăng, núi Mẫu Sơn, động Tam Thanh - Nhị Thanh, núi Tô Thị… Đặc biệt trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện có 9 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 2 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Để thu hút khách du lịch, thời gian qua, các cấp đã quan tâm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, như tổ chức các lễ hội truyền thống; tuyên truyền khuyến khích các tầng lớp Nhân dân mặc trang phục dân tộc truyền thống trong các lễ hội, sự kiện văn hóa..., góp phần thu hút khách du lịch tới thành phố Lạng Sơn, nhất là vào dịp đầu Xuân. Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, thành phố đã đón gần 2,2 triệu lượt khách, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Tại huyện Bắc Sơn, địa phương rất chú trọng khai thác các giá trị văn hoá gắn với phát triển du lịch. Tiêu biểu như điểm du lịch làng ngói âm dương, xã Long Đống, từ đầu tháng 7/2024 đến nay, hầu như tuần nào làng ngói này cũng đón từ 50 đến 100 khách du lịch, trong đó, có nhiều du khách đến từ các quốc gia khác nhau như: Singapore, Malaysia, Australia...
Chị Nguyễn Diệu Linh, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: Khi đến Bắc Sơn, tôi được trải nghiệm nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo như: làm ngói âm dương, tôi được chứng kiến cách nhào đất, tạo hình, nung ngói. Sau khi thăm làng ngói, tôi còn được tham gia trải nghiệm làm bánh và thưởng thức các món ăn truyền thống của người Tày Bắc Sơn ở các nhà sàn cổ và tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ.
Nhờ tập trung khai thác các tiềm năng văn hoá, huyện Bắc Sơn đã thu hút du khách tới thăm quan du lịch. Trong 6 tháng đầu năm 2024, huyện Bắc Sơn đã đón gần 160.000 lượt du khách, trong đó có trên 300 lượt khách quốc tế, doanh thu ước đạt trên 87,6 tỷ đồng.
Không riêng huyện Bắc Sơn, các địa phương khác trong tỉnh hiện nay cũng đang tích cực làm mới và nâng cao chất lượng dịch vụ các điểm du lịch để thu hút du khách. Cụ thể như: huyện Hữu Lũng triển khai các dự án phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tại thôn Ba Lẹng, xã Hữu Liên; dự án đầu tư phát triển nông nghiệp kết hợp tham quan sinh thái và dự án Du lịch sinh thái văn hóa dân tộc tại thôn Tân Lai, xã Hữu Liên. Huyện Tràng Định thì tập trung xây dựng nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch văn hóa cộng đồng người Mông (xã Cao Minh), Dao đỏ (xã Vĩnh Tiến); hay như thành phố Lạng Sơn xây dựng số hóa điểm du lịch Nhị Thanh - Tam Thanh, núi Tô Thị, Thành Nhà Mạc, mở rộng không gian điểm du lịch phố đi bộ Kỳ Lừa...
Nhờ đó, đã góp phần không nhỏ trong việc thu hút du khách trong và ngoài nước tới Lạng Sơn. Năm 2023, toàn tỉnh đã đón hơn 3,9 triệu lượt khách, tăng 11,9% so với năm 2022. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, Lạng Sơn đón trên 2,9 triệu lượt du khách, tăng 5,3% so với cùng kỳ 2023.
Cần giải pháp đổi mới sáng tạo
Dù có tiềm năng du lịch lớn nhờ sở hữu phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ và di sản văn hóa đặc sắc, nhưng du lịch Lạng Sơn vẫn chưa được phát triển mạnh mẽ và chưa tương xứng với tiềm năng.
Theo nhiều chuyên gia về phát triển du lịch, hiện nay hoạt động quảng bá du lịch của tỉnh còn chưa đa dạng. Lạng Sơn chưa tận dụng tốt các kênh truyền thông hiện đại và các công cụ kỹ thuật số để giới thiệu vẻ đẹp và tiềm năng du lịch đến du khách trong và ngoài nước. Điều này dẫn đến việc tỉnh chưa được biết đến rộng rãi trên bản đồ du lịch quốc tế.
PGS.TS. Phạm Hồng Long, Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Dù có tiềm năng lớn, nhưng du lịch Lạng Sơn vẫn chưa phát triển xứng tầm và chưa thu hút được lượng khách du lịch quốc tế đáng kể.
"Hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng tại một số điểm du lịch còn chưa phát triển đầy đủ, gây khó khăn cho việc di chuyển của du khách. Các sản phẩm du lịch tại Lạng Sơn chủ yếu tập trung vào du lịch tâm linh và tham quan các danh thắng tự nhiên. Chưa có nhiều sản phẩm du lịch sáng tạo và độc đáo, thiếu các dịch vụ du lịch chất lượng cao, từ lưu trú, ăn uống đến các hoạt động giải trí và mua sắm. Các yếu tố như ẩm thực địa phương, nghệ thuật truyền thống và phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số như Tày, Nùng chưa được khai thác một cách hiệu quả", ông Phạm Hồng Long cho biết.
Còn TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, cho rằng Lạng Sơn là địa phương có cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc đặc sắc, hệ thống di tích lịch sử và lợi thế về du lịch cửa khẩu, nhưng vẫn chỉ ở dạng tiềm năng, kho báu, chưa khai thác, phát huy được hiệu quả. Để khai thác phát huy các lợi thế đó cần phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đồng bộ chất lượng cao và đẳng cấp; phát triển hệ thống tuyến du lịch nội tiểu vùng, khu vực và quốc tế; khai thác phát triển sản phẩm du lịch đặc thù; đầu tư tôn tạo, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, nâng cấp các di tích văn hóa lịch sử; quy hoạch không gian phát triển du lịch, liên kết phát triển theo vùng để tạo ra giá trị du lịch.
Do đó để thúc đẩy du lịch, tỉnh Lạng Sơn cần phải đổi mới và sáng tạo trong việc thiết kế các sản phẩm du lịch, nhằm tạo ra những trải nghiệm mới lạ, độc đáo, thu hút khách du lịch, nhất là khách du lịch quốc tế.
Để tạo sức bật cho du lịch phát triển, tỉnh Lạng Sơn cũng đã tổ chức triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch Lạng Sơn đến năm 2030. Trong đó, đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về du lịch. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong triển khai nhiệm vụ phát triển du lịch.
Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nhân lực du lịch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý nhà nước, cán bộ, nhân viên trong các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập.
Bên cạnh đó, tỉnh Lạng Sơn tập trung phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, ưu tiên các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của tỉnh như: Du lịch văn hóa, lịch sử về nguồn, lễ hội; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch thể thao, vui chơi giải trí; du lịch biên giới cửa khẩu kết hợp mua sắm; du lịch cộng đồng. Phát triển sản phẩm đi đôi với tái đầu tư, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường, tăng cường liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương trong tỉnh, giữa các tỉnh trong khu vực và trong cả nước…
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn đã tập trung nghiên cứu phát triển các tour, tuyến du lịch mới và triển khai chính sách hỗ trợ phát triển du lịch. Hiện đã có 38 điểm đến trong 4 tuyến du lịch vùng công viên địa chất, trong đó 60% điểm đến là các điểm di sản, di tích, làng nghề văn hoá truyền thống.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn - Dương Xuân Huyên, với những tiềm năng, lợi thế lớn, những năm qua, tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển du lịch, thu hút khách về với xứ Lạng. Tỉnh tham gia vào nhóm liên kết phát triển du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh với tỉnh Đông Bắc; xây dựng nhiều sản phẩm du lịch, điểm đến mang đặc trưng riêng gắn với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO và nét đẹp trong đời sống, sinh hoạt, văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
Hy vọng với những giải pháp cụ thể, đổi mới trong tương lai không xa sẽ thúc đẩy du lịch phát huy hết được tiềm năng, thế mạnh, góp phần phát triển kinh tế-xã hội mảnh đất biên cương xứ Lạng.