Bà Phạm Thị Trung: Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum đã hướng dẫn triển khai thực hiện tốt chế độ chính sách của Trung ương, Chính phủ đối với học sinh và giáo viên vùng đồng bào DTTS, cụ thể: Chi hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở, hỗ trợ gạo theo Nghị định 116 của Chính phủ; miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 81 của Chính phủ; hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo theo Nghị định số 105 của Chính phủ; hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên DTTS rất ít người theo Nghị định 57 của Chính phủ…
Đồng thời, Sở cũng triển khai kịp thời chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn... Việc triển khai kịp thời các chính sách của Đảng, Nhà nước ta ưu tiên về giáo dục vùng đồng bào DTTS đã giúp cho các em học sinh DTTS có điều kiện được học tập tốt hơn; chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục ở vùng DTTS miền núi ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục.
Phóng viên: Để nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS, Sở GD&ĐT đã có những giải pháp gì, thưa bà?
Bà Phạm Thị Trung: Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS tính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; theo đó, Sở ban hành Kế hoạch để triển khai thực hiện trong toàn ngành một cách đồng bộ, thống nhất. Có 100% các huyện, thành phố đã xây dựng Chương trình và Kế hoạch cụ thể để triển khai phù hợp với tình hình của địa phương.
Sở GD&ĐT đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, nhận thức, nâng cao vai trò trách nhiệm của các cấp, các ngành và Nhân dân về mục đích, ý nghĩa của việc nâng cao chất lượng học sinh DTTS. Xây dựng và mở rộng các mô hình, các cách làm hay như “Bữa ăn trưa yêu thương”, mô hình “Bán trú dân nuôi” nhằm đảm bảo điều kiện cho học sinh ăn uống, học tập nâng cao tỷ lệ chuyên cần của học sinh. Chủ động kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ, trang bị cho các trường khó khăn, cụ thể: trong năm 2022, 2023 huy động gồm 17 thư viện từ Chương trình “Thư viện ước mơ”, trị giá gần 1,7 tỷ đồng và trao 1.000 cặp lồng cơm từ Chương trình "Cặp lồng cơm đến trường”, 08 ti vi thông minh góp phần tạo điều kiện cho học sinh DTTS, học sinh có hoàn cảnh khó khăn có môi trường học tập, giải trí, ăn uống tốt hơn, an tâm đến lớp.
Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT đã tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đáp ứng nhu cầu dạy học, nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh DTTS. Đã bổ sung 312 phòng học, 98 công trình vệ sinh, nước sạch, 61 nhà ở học sinh, giáo viên, 108 phòng học bộ môn, 33 nhà hành chính, quản trị, 18 nhà ăn, nhà bếp, 39 sân chơi, bãi tập và 71 hạng mục khác... Sở cũng chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, trang bị kiến thức dân tộc, văn hóa địa phương và học tiếng DTTS tại chỗ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; xây dựng đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng học tập của học sinh DTTS.
Phóng viên: Với sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền và Sở GD&ĐT tỉnh thì chất lượng giáo dục học sinh vùng đồng bào DTTS đã có những chuyến biến như thế nào?
Bà Phạm Thị Trung: Việc triển khai công tác nâng cao chất lượng học sinh DTTS đã có sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chỉ đạo của cơ quan Nhà nước, hỗ trợ của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội cấp tỉnh, huyện đến cơ sở. Từ các hoạt động triển khai của cơ quan quản lý giáo dục và đào tạo cấp tỉnh, huyện đến trường học và các tổ chức, cá nhân trong trường học đã có tác động tích cực thúc đẩy việc nâng cao chất lượng giáo dục trên từng địa bàn, góp phần thực hiện các mục tiêu cụ thể. Nhận thức của cha mẹ học sinh trong chăm sóc, giáo dục học sinh đã có những chuyển biến đáng kể, hạn chế tình trạng trông chờ, ỷ lại vào chính sách của nhà nước và nhà trường.
Chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS có chuyển biến tích cực, một số mục tiêu như: Tỷ lệ trẻ DTTS dưới 3 tuổi đến nhà trẻ, tỷ lệ trẻ DTTS 3 đến 5 tuổi đi học mẫu giáo, tỷ lệ trẻ DTTS 5 tuổi đi học mẫu giáo, tỷ lệ trẻ DTTS 5 đến 6 tuổi được chuẩn bị điều kiện vào lớp 1, tỷ lệ học sinh DTTS cấp THCS có hạnh kiểm từ trung bình trở lên đạt và vượt mục tiêu; tỷ lệ học sinh DTTS cấp THCS, THPT có học lực từ trung bình trở lên tăng so với năm học trước; tỷ lệ học sinh DTTS tốt nghiệp THPT tăng vượt chỉ tiêu kế hoạch. Đặc biệt, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS, THPT chuyển sang học nghề tăng từ 23,1% lên 25%; tỷ lệ học sinh DTTS tốt nghiệp THPT tham gia học Đại học, Cao đẳng, Trung cấp hoặc đào tạo nghề đạt tăng từ 38,2% lên 50,8%. Đến nay, trường vùng DTTS đạt chuẩn Quốc gia có sự gia tăng; trong đó, một số địa phương có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia khá cao như huyện Đăk Tô đạt 80%, huyện Ngọc Hồi đạt 80%.
Phóng viên: Quá trình triển khai thực hiện công tác nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS thì tỉnh Kon Tum gặp phải những khó khăn gì. Qua đó, tỉnh có đề xuất, kiến nghị gì đối với cấp, ngành Trung ương?
Bà Phạm Thị Trung: Mặc dù chất lượng giáo dục đã có sự chuyển biến nhưng vẫn chưa đồng đều giữa các địa phương, có nơi còn thấp, kéo dài và chậm được cải thiện; việc huy động học sinh ra lớp, duy trì sĩ số, nâng cao tỷ lệ chuyên cần ở một số địa phương còn thấp. Nhiều địa phương biên chế giáo viên Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở còn thiếu chỉ tiêu theo định mức quy định của Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Nội vụ. Cơ sở vật chất tuy đã được quan tâm đầu tư, song vẫn chưa đáp ứng nhu cầu chăm sóc, giáo dục để nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là phòng học, phòng học bộ môn, thư viện ở các trường phổ thông dân tộc nội trú.
Từ những khó khăn đó, Sở GD&ĐT có văn bản tham mưu UBND tỉnh kiến nghị đến Chính phủ, Quốc hội, cụ thể: Nghiên cứu, có chủ trương mở rộng đối tượng thụ hưởng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, nhất là các trường có đông học sinh DTTS, các trường mầm non vùng khó đồng thời hỗ trợ bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các trường thuộc vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Rà soát, ban hành cơ chế chính sách đặc thù đối với đội ngũ giáo viên công tác tại vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS; có cơ chế chuyển tiếp đối với các chính sách hỗ trợ đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn sau khi các xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới (có lộ trình cắt giảm trong 2-3 năm sau khi địa phương đạt chuấn nông thôn mới).
Trân trọng cảm ơn bà!