Tỉnh Kiên Giang có khoảng 261.200 người đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 14,94% dân số của tỉnh; trong đó, đồng bào Khmer chiếm hơn 13%. Những năm qua, việc chăm lo đời sống cho đồng bào DTTS luôn được tỉnh quan tâm, đưa ra nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, góp phần đổi thay vùng DTTS miền núi của tỉnh.
Triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ 2021-2025 trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện với 9 dự án và 11 tiểu dự án. Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 là 446.627,8 triệu đồng. Trong đó: Ngân sách Trung ương 388.372 triệu đồng, ngân sách địa phương 58.255,8 triệu đồng.
Ông Danh Phúc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang cho biết: Mục tiêu đến năm 2025, hỗ trợ hộ đồng bào DTTS nghèo, hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn chưa có đất ở, nhà ở hoặc có nhà ở tạm, dột nát được hỗ trợ đất ở, nhà ở đảm bảo 3 cứng (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng). Tiến tới đạt 90% hộ DTTS nghèo, hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn sinh sống bằng nghề nông, lâm, ngư nghiệp không có hoặc thiếu trên 50% đất sản xuất theo định mức của địa phương. Theo đó sẽ được hỗ trợ đất sản xuất (có thể hỗ trợ trực tiếp bằng đất sản xuất hoặc hỗ trợ chuyển đổi nghề).
Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn Chương trình, ngày 10/10/2023 Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 16-CT/TU về việc tăng cường lãnh đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp trong triển khai thực hiện Chương trình. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện nội dung đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai Chương trình ở các cấp. Tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm cho các đối tượng trực tiếp thực hiện Chương trình; chia sẻ kinh nghiệm giữa các địa phương trong triển khai Chương trình.
Bên cạnh đó, chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, đoàn viên, hội viên các đoàn thể và Nhân dân về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc; ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện chính sách dân tộc, khẳng định việc triển khai thực hiện tốt Chương trình là góp phần phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, của tỉnh, của đất nước.