Trường Hữu Nghị 80 đã và đang quan tâm đến công tác hướng nghiệp cho học sinh DTTS ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Năm học 2019 - 2020, Trường Hữu Nghị 80 có 312 em học sinh khối 12 đang chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT. Để bảo đảm các em học sinh lựa chọn đúng ngành, nghề phù hợp với khả năng của bản thân mình, nhà trường đã tổ chức nhiều buổi học hướng nghiệp, để các em có những định hướng ban đầu trong việc lựa chọn ngành học sau khi tốt nghiệp THPT.
Thầy giáo Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Hữu Nghị 80 cho biết: “Nhà trường đã định hướng phân luồng học sinh, trên cơ sở lực học để các em lựa chọn thi đại học, cao đẳng hoặc học nghề. Thông qua các buổi học, hướng nghiệp do nhà trường tổ chức, hiện nay các em có học lực trung bình đã có xu hướng lựa chọn các trường nghề để dự tuyển. Các em lựa chọn như thế rất phù hợp với nhu cầu việc làm trên thị trường hiện nay và trong tương lai”.
Em Bế Đình Nam, dân tộc Tày, học sinh lớp 12 Trường Hữu Nghị 80 cho biết: “Ban đầu em cũng nghĩ đăng ký vào các trường đại học, nhưng lực học của em yếu nên chỉ có thể đăng ký vào các trường điểm thấp. Sau khi tham gia các lớp hướng nghiệp, em cùng một số bạn có học lực trung bình quyết định lựa chọn trường nghề. Em lựa chọn học sửa chữa điện lạnh, điện dân dụng của Trường Cao đẳng nghề Thanh Xuân sau khi thi tốt nghiệp THPT”.
Thời gian gần đây, công tác hướng nghiệp cho các em học sinh THPT đã được nhiều nhà trường quan tâm. Tuy nhiên, để công tác hướng nghiệp gắn với nhu cầu của thị trường lao động, đòi hỏi các nhà trường, các bậc phụ huynh, học sinh phải có sự tìm hiểu kỹ lưỡng, không đổ xô theo học những chuyên ngành mà thị trường lao động đang dư thừa.
Thực tế cho thấy, mỗi năm có hơn 200.000 sinh viên thất nghiệp, sinh viên ra trường làm trái ngành ngày càng nhiều, chiếm 60% (theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội). Sinh viên thất nghiệp chủ yếu tập trung ở các ngành nghề: Kế toán, Quản trị kinh doanh, Tài chính-Ngân hàng... Trong khi đó, trên thị trường lao động hiện nay, các ngành về dịch vụ đang có xu hướng phát triển và đang dần trở thành những ngành nghề được các doanh nghiệp săn đón như: Xây dựng, thiết kế, y tế, sửa chữa ôtô, điện lạnh, làm đẹp, du lịch… Đối với những thợ có tay nghề, mức thu nhập được thị trường lao động trả từ 8 - 9 triệu đồng/tháng, và thu nhập còn tăng lên theo mỗi năm và kỹ năng làm việc.
Có thể thấy, để công tác hướng nghiệp đạt hiệu quả, đáp ứng nhu cầu chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển đất nước, thì vai trò của ngành Giáo dục, các ngành chức năng trong việc phân tích nhu cầu của thị trường lao động là hết sức cần thiết. Trên cơ sở đó, chúng ta cần tập trung, định hướng cho học sinh lựa chọn đúng ngành, nghề phù hợp với năng lực của mỗi em học sinh, đặc biệt là đối với học sinh vùng DTTS và miền núi.