Tỷ lệ phân luồng học sinh đạt thấpGia Lai là tỉnh có đông đồng bào DTTS sinh sống. Do điều kiện kinh tế khó khăn, cùng với việc nhiều gia đình chưa nhận thức được vai trò của giáo dục hướng nghiệp (học nghề) nên bình quân mỗi năm, số học sinh tốt nghiệp THCS không học tiếp THPT, hoặc học nghề trên địa bàn khá lớn.
Tại Hội thảo về công tác phân luồng học sinh sau THCS tại vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Gia Lai vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức ngày 06/6/2018, một số liệu đáng suy ngẫm đã được đưa ra. Theo đó, qua khảo sát của Bộ GD&ĐT tại 3 huyện: Mang Yang, Đăk Đoa và Đức Cơ thì có khoảng 32-35% số học sinh DTTS học hết lớp 9, không tiếp tục tham gia học tiếp THPT và học nghề mà quay về lao động cùng gia đình.
Được biết, thời gian qua, ngành Giáo dục tỉnh Gia Lai đã tăng cường thực hiện Chị thị số 10-CT/TW ngày 05/12/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và THCS, tăng cường phân luồng học sinh sau THCS và xóa mù chữ cho người lớn. Theo đó, các trường THCS trên địa bàn đã chỉ đạo, hướng dẫn giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, đoàn thanh niên,… nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh cuối cấp để tư vấn, định hướng nghề nghiệp nhằm phân luồng học sinh. Tuy nhiên, kết quả phân luồng học sinh đạt rất thấp.
Theo số liệu tại Hội thảo của Bộ GD&ĐT được tổ chức ngày 06/6 vừa qua, năm học 2017-2018, toàn tỉnh Gia Lai có gần 19 nghìn học sinh DTTS học lớp 9 tại 249 trường THCS. Tuy nhiên, chỉ có 19% số học sinh được phân luồng sau THCS tại các trung tâm giáo dục thường xuyên và các trường nghề.
Không chỉ riêng Gia Lai mà nhiều địa phương khác, kết quả phân luồng học sinh sau THCS cũng đạt thấp. Như tỉnh Sóc Trăng, địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, kết quả phân luồng học sinh THCS kém rất xa mục tiêu đề ra.
Theo số liệu của Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng, năm học 2017-2018, toàn tỉnh có 12.822 học sinh tốt nghiệp lớp 9, nhưng chỉ có 1.077 em theo các trường nghề. Trước đó, năm học 2013-2014 chỉ có 728/10.434 học sinh tốt nghiệp lớp 9 vào các trường nghề; năm học 2014-2015 là 670/12.210 học sinh; năm 2015-2016 là 880/14.380 học sinh; năm học 2016-2017 là 660/13.057 học sinh.
“Rượt đuổi” mục tiêuChỉ thị 10-CT/TW đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề. Nhưng sau 7 năm thực hiện, kết quả đạt được là không mấy khả quan; trong khi “đích” thì đã gần kề. Số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, mỗi năm cả nước có khoảng 1,2 triệu học sinh tốt nghiệp THCS, nhưng chỉ có hơn 5% số học sinh vào học các trường nghề, kém rất xa mục tiêu đề ra.
Để đẩy mạnh hơn nữa công tác hướng nghiệp cho học sinh THCS, ngày 14/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 522/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”. Một trong những mục tiêu của Đề án là đến năm 2020, ở những địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội ĐBKK, có ít nhất 50% trường THCS có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; có ít nhất 25% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp (mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ này được nâng lên ít nhất 30%).
Việc đặt ra mục tiêu đào tạo hướng nghiệp cho học sinh tốt nghiệp THCS, nhất là học sinh DTTS, là rất quan trọng. Kết quả khảo sát của Bộ GD&ĐT ở 3 huyện của tỉnh Gia Lai về tỷ lệ học sinh DTTS sau khi tốt nghiệp THCS không tiếp tục học cấp 3 hay học nghề mà tham gia thị trường lao động đã phần nào cho thấy thực trạng đáng báo động trong việc phát triển giáo dục ở vùng DTTS và miền núi. Nguyên nhân một phần là do công tác hướng nghiệp chưa đạt kết quả.
Thiết nghĩ, để đạt được mục tiêu nâng tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp THCS vào học các trường nghề, tránh tình trạng bỏ học sớm để tham gia thị trường lao động thì phải có lộ trình và làm quyết liệt trong công tác hướng nghiệp và phân luồng. Nếu không, việc xây dựng mục tiêu để rồi phải “rượt đuổi” sẽ luôn là một viễn cảnh không tránh khỏi.
SỸ HÀO