Luồng gió mới
92 triệu lượt xem trên Youtube cho ca khúc “Để Mị nói cho mà nghe” là một minh chứng rõ nét về sức hấp dẫn của đề tài DTTS trong công chúng. Lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học “Vợ chồng A Phủ” với những nét văn hoá đặc sắc của người Mông, bài hát của ca sĩ Hoàng Thuỳ Linh đã tạo được một cơn sốt trong khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ.
Không riêng “Để Mị nói cho mà nghe”, hiện nay thị trường âm nhạc cũng xuất hiện nhiều ca khúc có chủ đề, âm điệu hay bối cảnh là vùng DTTS và được công chúng hào hứng đón nhận như: Tình yêu màu nắng, Nhà em ở lưng đồi, Lời ca gửi Nọong. Đây là hướng đi nhiều thử thách và đáng khích lệ giữa dòng chảy âm nhạc nhiều màu sắc mà không ít chuyên gia cho rằng “lai căng” trước làn sóng tấn công mạnh mẽ của nhạc Hàn, Hoa, Âu - Mỹ... hay các dòng nhạc thời thượng. Hướng đi này sẽ tạo dấu ấn riêng cho nhạc Việt, không bị lẫn tạp với bất kỳ nền văn hóa nào khác.
Trên thực tế, không chỉ trong lĩnh vực âm nhạc, đề tài về DTTS đã có những khởi sắc nhất định, trong những loại hình bị coi là ít có thể sáng tạo trước đây như sân khấu cải lương, thì vở diễn “Chuyện tình Khau Vai” đã tự làm mới âm nhạc khi có sự kết hợp hài hòa giữa âm nhạc cải lương, với những giai điệu dân gian miền núi Tây Bắc đã tái hiện không gian văn hóa đặc trưng của dân tộc Nùng, Giáy ở vùng cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang.
Nhìn sang phim truyện, những định kiến đề tài vùng cao quá khó để thu hút công chúng đang dần được xoá bỏ. Từ những phim chỉ một vài tập như: “Trên cổng trời có hoa anh túc”; “Người đợi ở Pờ Sa”,… thì điện ảnh Việt đã có một bước tiến mới khi có một phim dài đến 32 tập về chủ đề đời sống văn hoá của đồng bào DTTS là “Lặng Yên dưới vực sâu”. Bộ phim của đạo diễn Đào Duy Phúc cũng nhận được nhiều đánh giá cao từ hai phía, giới chuyên môn và khán giả.
Nghệ thuật đương đại đã bắt đầu tìm thấy màu của văn hoá truyền thống và có sức hút riêng và tạo sự ảnh hưởng trong thế hệ trẻ. Câu chuyện bảo tồn văn hoá DTTS không chỉ xuất hiện trong những hội thảo, chính sách mà đang ngày một hiện hữu rõ rệt trong đời sống văn hoá đương đại, với những bước tiến trên nhiều lĩnh vực.
Một đời sống riêng trong dòng chảy đương đại
Với sự nhào nặn của nhạc sĩ Hồ Hoài Anh, ca khúc “Để Mị nói cho mà nghe” trở nên dễ nghe, dễ thuộc với giai điệu vui tươi khi chất nhạc điện tử kết hợp phong cách World Music (thể loại nhạc mang âm hưởng Pop, ảnh hưởng từ văn hóa của các địa phương, vùng miền khác nhau). Nhiều thông điệp sâu xa trong cuộc sống hiện đại như, khuyên người trẻ sống, cống hiến hết mình cho tuổi trẻ được truyền tải nhẹ nhàng trên nền phong cảnh hùng vỹ lồng ghép với những nét văn hoá dân tộc đặc sắc.
Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh cho rằng, những chất liệu văn học, văn hóa truyền thống đã nằm đâu đó trong mỗi con người Việt Nam, những sáng tạo với những góc nhìn khác của người trẻ được lấy cảm hứng từ những chất liệu ấy sẽ dễ đi vào lòng người hơn.
Các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc từ khi ra đời, tự thân đã sinh sôi, phát triển, vì nó gắn liền với đời sống mỗi vùng miền. Thay vì luôn tìm kiếm những không gian diễn xướng thuần tuý như từng làm, việc đưa văn hoá của đồng bào DTTS vào trong các lĩnh vực nghệ thuật đa dạng như hiện nay, khiến công chúng dễ đón nhận hơn. Đặc biệt, nó còn kích thích, khơi dậy ở nhiều người trẻ sự ham thích tìm hiểu, khám phá về vùng đất, con người mà trước giờ có thể họ luôn thấy xa vời.
Nói không ngoa, nghệ thuật đương đại đang thu ngắn khoảng cách giữa các vùng miền, từ những chuyến đi trong âm nhạc, điện ảnh, nhiều chuyến du lịch đã bắt đầu từ những cảm xúc mà công chúng có được khi thưởng thức qua màn ảnh. Qua lăng kính với cái nhìn cởi mở, cách làm sáng tạo nhưng vẫn giữ được tinh thần, cái gốc của văn hoá truyền thống, khán giả sẽ đón nhận và ủng hộ nồng nhiệt.
Đây là chỉ dấu đáng mừng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật các DTTS, như điều mà Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI (nhiệm kỳ 2019 - 2024) của Hội Văn học nghệ thuật các DTTS Việt Nam tháng 11 vừa qua: “Những thành tựu, giá trị và bản sắc độc đáo của văn hóa 53 DTTS anh em không chỉ làm cho nền văn hóa Việt Nam đậm sắc màu phong phú mà còn góp phần củng cố sự thống nhất ý chí, tinh thần, tình cảm của dân tộc, tạo nên sức mạnh nội sinh bền vững của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ đó, giúp nền văn hóa Việt Nam không ngừng phát triển thống nhất trong đa dạng, tỏa sáng trong dòng chảy văn hóa, văn minh nhân loại”.