Những năm qua, xã Ea Tul đã có nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, từng bước loại trừ những phong tục, tập quán lạc hậu, hủ tục.
Xã đã tiến hành khảo sát, rà soát, đánh giá thực trạng tại các thôn, buôn để có phương án bảo tồn cụ thể, chú trọng công tác tuyên truyền để người dân có ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. Đồng thời, tích cực phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp truyền dạy đánh cồng chiêng, kể khan và dệt thổ cẩm; thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa-văn nghệ, bà con đã có ý thức xây dựng, phục hồi, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa.
Hiện nay, xã đã khôi phục được nhiều lễ hội dân gian truyền thống, nhiều lễ hội được duy trì tổ chức thường xuyên như: Lễ cúng bến nước, Ngày hội văn hóa dân gian và ẩm thực truyền thống của đồng bào dân tộc Ê-đê…; Đồng thời, lưu giữ được 54 bộ chiêng đồng, 21 cái trống, 8 bến nước, 250 bộ khung dệt thổ cẩm, các nhạc cụ dân tộc và nhiều nhà dài truyền thống, ghế kpan. Đặc biệt, xã có 25 nghệ nhân biết sử dụng cồng chiêng, nhiều nghệ nhân biết hát ây rây, kể khan, dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ dân tộc, tạc tượng, đan lát…
Chính bởi lưu giữ được kho tàng văn hóa vô giá, nhiều nghệ nhân liên tục được mời đi biểu diễn tại các sự kiện lớn, nhỏ do địa phương tổ chức, để lại ấn tượng đẹp cho người xem. Không những vậy, các nghệ nhân cũng nhiều lần đại diện cho địa phương tham dự các hội thi, hội diễn, sân chơi lớn trong và ngoài tỉnh, thậm chí còn cả ở nước ngoài. Cụ thể, năm 2014, xã Ea Tul vinh dự có 1 nghệ nhân đi tham gia trình diễn hát kể khan (sử thi), hát truyện cổ tại Phần Lan. Năm 2016 có 1 nghệ nhân tham gia biểu diễn tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội), Đội văn nghệ dân gian của xã đi biểu diễn tại tỉnh Kon Tum... Hằng năm, xã Ea Tul thường đón từ 5-6 đoàn làm phim, các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian, các văn nghệ sĩ nổi tiếng về địa phương để nghiên cứu, sưu tầm các di sản văn hoá Ê-đê bản địa.
Ông Y Toàn Ayun, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tul cho biết: Lĩnh vực văn hóa nói chung và bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống nói riêng được Đảng ủy, UBND xã rất quan tâm. Trong những năm qua, xã đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức được 9 lớp truyền dạy văn hóa dân tộc và nghề truyền thống cho người dân, trong đó có 2 lớp truyền dạy đánh cồng chiêng với 40 người tham gia và 4 lớp dệt thổ cẩm, với 120 người tham gia…
Kết quả đáng ghi nhận nhất trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống trên địa bàn xã đã tạo được chuyển biến tích cực về nhận thức trong Nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ. Hiện, nhiều thanh-thiếu niên rất yêu thích, hăng say tập luyện, biểu diễn cồng chiêng… Đến nay, ngoài đội chiêng lớn tuổi thì xã còn có thêm 2 đội chiêng trẻ với 30 thành viên. Các đội chiêng thường xuyên tập luyện để tham gia các lễ hội, sự kiện do địa phương tổ chức. Nhiều bài chiêng truyền thống của dân tộc được các thành viên thể hiện khá tốt, nhuần nhuyễn, uyển chuyển, có hồn…
Có thể nói, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Ê-đê ở Ea Tul không chỉ góp phần xây dựng, phát triển đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh cho đồng bào mà còn góp phần thúc đẩy du lịch, kinh tế-xã hội của địa phương ngày càng phát triển.
TRUNG DŨNG