Mở đầu Lễ hội Cầu an là màn toong trù múa trống khai hội. Các thanh niên Dao khỏe mạnh, tay cầm dây áo múa theo động tác nhịp nhàng, khỏe khoắn. Khi những người múa võ mở màn lễ hội vừa rút vào trong thì tiếng trống chiêng của nghi thức múa rùa lập tức nổi lên. Một người đàn ông trong bộ áo dài màu đỏ trùm kín đầu bò lom khom trên mặt đất. 2 tay cầm 2 con dao, lưỡi dao được buộc vào phần vai áo tạo thành 2 tai rùa. Thần rùa ngậm kiếm trong miệng di chuyển 4 phương trừ tai họa, trừ những điều xấu và mang may mắn đến khắp bản làng Dao.
Sau màn múa rùa là nghi lễ múa rồng. 8 người gồm 4 nam giới mặc áo dài màu đỏ có thêu hình rồng phượng, 4 người nữ giới mặc áo chàm đen, tay cầm 2 dải khăn màu đỏ đen đứng đối diện và quay mặt vào nhau. Khi tiếng trống chiêng dồn dập, tiết tấu nhanh, 8 người nhảy múa liên tục, tay cầm khăn tung lên, tung xuống lúc thì xòe khăn làm động tác rồng phun nước.
Trong Lễ hội Cầu an, người Dao Thanh Y còn có lễ múa và tế gà, mời thần Phượng Hoàng xuống trần gian. 3 người đàn ông ôm 3 con gà trống, chân bọc giấy màu vàng đi thành vòng tròn nhún nhảy theo tiếng trống chiêng. 3 con gà được đưa qua phải, qua trái nhịp nhàng, mỏ chúc xuống như đang bới tìm thức ăn.
Màn múa gà mô phỏng động tác Phượng Hoàng xuống trần gian giúp dân bắt sâu bọ, bảo vệ mùa màng. Mỗi màn múa trong lễ hội đều có bè hát phụ lễ riêng, phù hợp với ý nghĩa của nghi lễ đó. Từ đầu đến khi kết thúc phần lễ, thày mo ngồi yên một chỗ đọc các bài cúng, từ mời bản Vương và các vị thần về dự lễ hội.
Lễ hội Cầu an là một nét đẹp văn hóa hiện vẫn được đồng bào Dao Thanh Y xã Bằng Cả gìn giữ và phát huy trong đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng.
SÔNG LAM