Thiếu “đầu ra” cho cử tuyển
Trước Nghị định số 141/2020/NĐ-CP, chính sách cử tuyển đối với học sinh, sinh viên (SV) người DTTS được quy định tại Nghị định số 134/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 (được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 49/2015/NĐ-CP ngày 15/5/2015). Tại khoản 2 – Điều 11, Nghị định 134/2006/NĐ-CP quy định: “UBND cấp tỉnh tổ chức tiếp nhận và phân công công tác cho người được cử đi học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp”.
Đồng thời, khoản 3 – Điều 11 của Nghị định này cũng nêu rõ: “Thời gian người học theo chế độ cử tuyển chờ phân công công tác theo quy định tại khoản 2 Điều này tối đa là 6 tháng, kể từ ngày được công nhận tốt nghiệp”. Quy định chính sách là vậy, nhưng trên thực tế, có được việc làm - chưa tính đến có đúng chuyên môn được đào tạo hay không, đối với SV cử tuyển phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó phải tính đến yếu tố “may – rủi” trong bối cảnh các địa phương đang quyết liệt thực hiện nhiệm vụ tinh giản biên chế như hiện nay.
Chính vì vậy, tình trạng SV cử tuyển chưa, hoặc không được bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp là phổ biến. Trong lúc chờ đợi, nhiều SV quay về làm nông như trước khi chưa được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học.
Năm 2009, anh Hồ Văn Thương, sinh năm 1989, xã Ba Lòng, huyện Đakrông (Quảng Trị) được cử đi học ngành Nông học của Trường Đại học Nông lâm - Đại học Huế. Ra trường đến nay đã được 9 năm nhưng hiện anh chưa được địa phương bố trí việc làm; để đảm bảo thu nhập cho gia đình, anh Thương ở nhà làm ruộng, trồng cây, chăn nuôi bò.
May mắn hơn anh Thương, khi đã gần 40 tuổi, anh Hồ Văn Phiên, ở xã Thuận, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) – cựu SV cử tuyển ngành sư phạm Giáo dục chính trị - Trường Đại học Vinh (Nghệ An) vừa được tuyển dụng làm cán bộ bán chuyên trách tại Đảng ủy xã. Dù trái ngành nghề được đào tạo nhưng với anh Phiên cũng là may mắn, bởi sau khi tốt nghiệp (năm 2012), anh đã phải trải qua thời gian dài chờ bố trí công việc; trong khi chờ đợi, anh thuê đất trồng chuối và buôn bán để trang trải cuộc sống.
Đây không phải là những trường hợp hiếm gặp trong thực hiện chính sách cử tuyển lâu nay. Tình trạng “có đầu vào” nhưng “thiếu đầu ra” đã và đang là thực trạng chung ở các địa phương triển khai chính sách cử tuyển. Thông tin được đưa ra tại Hội nghị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) năm 2022 do Bộ GD&ĐT tổ chức giữa năm 2022 cho thấy, việc bố trí việc làm cho SV cử tuyển là bài toán rất khó giải ở các địa phương.
Như Lạng Sơn, từ năm 2010 đến nay, Sở GD&ĐT, Sở Nội vụ đã tiếp nhận 240 SV cử tuyển tốt nghiệp ra trường từ các cơ sở đào tạo, trong đó tiếp nhận và bố trí, xét tuyển vào vị trí việc làm đối với 89 SV, đạt 37%, còn 151 SV chưa có việc làm, chiếm 63%. Tại Quảng Nam, tỉnh mới bố trí được 493 SV trong tổng số 610 SV được cử đi học. Còn tại Quảng Trị, địa bàn tỉnh hiện có 47 SV cử tuyển chưa được bố trí việc làm, hầu hết đều là người dân tộc Pa Kô, Vân Kiều, sống ở những địa bàn đặc biệt khó khăn của tỉnh…
Lãng phí nguồn lực
Tình trạng SV cử tuyển sau khi tốt nghiệp không được bố trí việc làm, trở về làm những ngành nghề giống như chưa qua đào tạo trình độ cao đẳng, đại học là một sự lãng phí nguồn nhân – vật lực rất lớn. Bởi, để đào tạo cho một SV cử tuyển, bên cạnh chi phí của gia đình thì ngân sách nhà nước hỗ trợ là không hề nhỏ. Đơn cử như tỉnh Sơn La, chỉ tính từ năm 2011 đến năm 2015, tổng số kinh phí cho đào tạo cử tuyển của tỉnh này ước khoảng 100 tỷ đồng.
Đó là chưa kể, với mỗi SV cử tuyển (hầu hết là người DTTS, sinh sống chủ yếu ở những địa bàn đặc biệt khó khăn), trước khi được cử đi học thì đã trải qua các giai đoạn học tập từ giáo dục mầm non lên giáo dục phổ thông. Ở mỗi cấp học, các em đều đã được thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ phát triển GD&ĐT được đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Mặc dù đã có quy định về việc thu hồi, bồi hoàn kinh phí hỗ trợ đào tạo SV cử tuyển, nhưng việc thực hiện gần như “bất khả thi”. Theo quy định tại khoản 3 – Điều 11 của Nghị định số 134/2006/NĐ-CP thì “quá thời hạn 6 tháng không nhận được sự phân công theo quy định của Nghị định này thì người học theo chế độ cử tuyển có quyền tự đi tìm việc làm và không phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo”. Trong khi, đại đai số SV cử tuyển chưa, hoặc không có việc làm hiện nay chủ yếu do địa phương chưa bố trí được việc làm theo quy định tại khoản 2 – Điều 11 Nghị định số 134/2006/NĐ-CP.
Nhưng vấn đề đáng suy ngẫm hơn cả là sự lãng phí nguồn nhân lực; bởi SV cử tuyển đã qua đào tạo cao đẳng, đại học là sự bù đắp rất đáng kể cho sự thiếu hụt nguồn nhân lực ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Một thống kê trong Báo cáo về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách tuyển sinh, đào tạo và sử dụng cán bộ theo hình thức cử tuyển của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho thấy, tỉ lệ SV cử tuyển đạt học lực xuất sắc chiếm khoảng 2%, loại giỏi 5,7%; loại khá 8,7%; trung bình 54%; yếu 17,2%; kém 2,3%. Dù kết quả học tập chưa cao, nhưng đã tốt nghiệp thì SV cử tuyển là đội ngũ nổi trội trong lực lượng lao động gần 8 triệu người DTTS mới chỉ có khoảng 14% qua đào tạo hiện nay.
Với thực trạng “cử” nhưng không “tuyển” lâu nay, nhiều ý kiến quan ngại khi Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách cử tuyển theo Nghị định số 141/2020/NĐ-CP ngày 8/12/2020. Tuy nhiên, phải khẳng định, cử tuyển là chính sách cần được tiếp tục thực hiện, từ đó góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng, Nhà nước về tạo nguồn nhân lực chất lượng cho vùng đồng bào DTTS. Điều quan trọng nhất là phải giải quyết được bài toán “đầu ra” bằng chính sách ưu tiên tuyển dụng, bố trí việc làm cho cán bộ người DTTS.
Để tạo nguồn cán bộ cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15/6/2016 về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030. Công tác bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao người DTTS cũng được quy định tại Tiểu dự án 2 – Dự án 5 của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg.
Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong bài viết tiếp theo.