Trước đây, Tiến Lâm đã từng là xóm thuộc diện khó khăn của xã Bắc Phong (huyện Cao Phong). Từ các chính sách của Đảng và Nhà nước, thời gian qua, hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn như: điện, đường giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế… của Tiến Lâm đã cơ bản hoàn thiện, tạo điều kiện tốt cho người dân lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo.
Dẫn chúng tôi vào xóm Tiến Lâm trên con đường bê tông kiên cố, vừa đi ông Triệu Tiến Nghiêm, Trưởng xóm vừa giới thiệu những vườn cây ăn quả sai trĩu cành, ruộng mía, ngô phủ xanh khắp nơi. Đây là cách người dân Tiến Lâm nâng cao thu nhập, từng bước thoát nghèo.
Ông Triệu Tiến Nghiêm phấn khởi chia sẻ: “Năm 2020, thu nhập bình quân đạt 24 triệu đồng/người. Hiện, xóm không có nhà tạm, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia, nước sạch đạt 100%. Trong phát triển kinh tế, Nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế địa phương”.
Cũng như Tiến Lâm, các thôn xóm vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh Hòa Bình trong những năm qua, đã được quan tâm đầu tư, hỗ trợ để phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), nâng cao đời sống của Nhân dân. Như khẳng định của bà Đinh Thị Thảo, Trưởng Ban Dân tộc Hòa Bình, quan tâm đầu tư cho khu vực miền núi, nơi đông bà con DTTS sinh sống chính là thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh.
Bà Thảo cho biết, hằng năm, tỉnh Hòa Bình ưu tiên dành các nguồn lực từ các chương trình, dự án chính sách tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở thiết yếu như, giao thông, thủy lợi, điện sinh hoạt, trường học, y tế; hỗ trợ phát triển sản xuất; đào tạo nghề mở rộng việc làm thay thế lao động nông nghiệp cho con em DTTS để có thu nhập cao hơn.
Trong đó, riêng Chương trình 135 năm 2020, với tổng nguồn vốn được phân bổ hơn 166 tỷ đồng, trong đó thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng là 118 tỷ đồng; vốn sự nghiệp 48 tỷ đồng thực hiện duy tu bảo dưỡng công trình hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình, nâng cao năng lực cho cộng đồng, cán bộ.
Đồng thời, thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển KT - XH vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2020, trong năm 2020, tổng nguồn vốn được Trung ương phân bổ là trên 24 tỷ đồng, tỉnh đã hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và triển khai chính sách vốn vay tín dụng. Theo đó, có 800 hộ DTTS nghèo, hộ nghèo ở xã khu vực III, thôn ĐBKK được hỗ trợ với kinh phí 1,2 tỷ đồng; Thực hiện đầu tư xây dựng công trình tại các điểm dự án định canh định cư tập trung, với tổng nguồn vốn được giao hơn 17 tỷ đồng...
Với việc triển khai hiệu quả các nguồn lực trên, giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh Hòa Bình giảm 3,16%/năm, trong đó, các huyện 30a và các xã thuộc diện Chương trình 135 giảm trên 4%. Thu nhập bình quân các hộ gia đình tăng 20% trở lên, bình quân mỗi năm có 15% số hộ được hỗ trợ đã thoát nghèo, thoát cận nghèo. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo đối với con em đồng bào người DTTS được chú trọng đầu tư, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục...