Trung Sơn là xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn (ĐBKK) của huyện Yên Sơn. Những năm qua, Trung Sơn đã vận dụng có hiệu quả Chương trình 135 đầu tư công trình hạ tầng nông thôn, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, giảm nghèo.
Từ năm 2015 - 2019, xã Trung Sơn được hỗ trợ sản xuất hơn 1 tỷ đồng từ Chương trình 135 cho Nhân dân trong xã. Từ nguồn vốn này, xã Trung Sơn đã hỗ trợ mua máy nông nghiệp cho 26 nhóm hộ, 50 hộ nghèo được hỗ trợ mua giống lợn sinh sản, 53 hộ nghèo được hỗ trợ mua máy cắt cỏ, 6 thôn được hỗ trợ mua máy, giống chè năng suất cao, 34 hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ nuôi ong.
Đến nay, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo nhờ được hỗ trợ phát triển sản xuất. Với những nỗ lực thoát nghèo của chính những người dân và sự chung tay, giúp đỡ, quyết tâm của cấp ủy đảng, chính quyền, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 31,9% năm 2015 xuống còn 26% năm 2019; tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm 8 - 10%.
Theo Chủ tịch UBND xã Trung Sơn, ông Nguyễn Văn Dần, nguồn vốn Chương trình 135 thực sự là “chiếc cần câu” giúp người dân nơi đây vươn lên phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Nhờ thực hiện hiệu quả Chương trình 135, từ một địa phương khó khăn, giờ đây Trung Sơn đang chuyển mình với san sát nhà cao tầng khang trang, đường bê tông đến tận thôn bản.
Tỉnh Tuyên Quang hiện có 63 xã, 123 thôn bản ĐBKK khu vực II được đầu tư theo Chương trình 135. Để nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS, những năm qua, tỉnh đã tập trung thực hiện các chính sách, chương trình hỗ trợ như: Hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn; hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, tạo việc làm cho đồng bào DTTS; hỗ trợ các dự án phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xóa nhà tạm, nhà dột nát; tập trung các nguồn lực xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào DTTS…
Cùng với thực hiện hiệu quả Chương trình 135, 30a, thì các chính sách ưu tiên phát triển KT-XH vùng DTTS như: Chính sách đối với Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS; hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo; di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào DTTS theo Quyết định số 33/2013/QĐ-TTg ngày 04/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn… đã được tỉnh thực hiện hiệu quả.
Trong giai đoạn 2003 - 2019, tỉnh đã đầu tư trên 2.216 tỷ đồng xây dựng 1.740 công trình cơ sở hạ tầng KT-XH (đường giao thông, thủy lợi, điện sinh hoạt…) ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS; đầu tư trên 167 tỷ đồng hỗ trợ cước vận chuyển giống lúa lai, ngô lai, phân bón, hỗ trợ mua máy nông nghiệp phục vụ sản xuất; đầu tư trên 80 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế thoát nghèo bền vững; đầu tư xây dựng 72 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho 5.000 hộ đồng bào DTTS. Từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ trên 8.200 hộ nghèo xây dựng nhà ở, tổng trị giá trên 8,9 tỷ đồng…
Với việc thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đời sống kinh tế, văn hóa của đồng bào DTTS ở Tuyên Quang đang ngày càng được nâng lên. Hệ thống kết cấu hạ tầng ở vùng đồng bào DTTS được đầu tư xây dựng và nâng cấp. Đến nay, 100% xã, trên 99% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm; 98% số hộ DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia; 86,5% hộ DTTS được sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ nghèo (giai đoạn 2016 - 2020) giảm còn 15,38%; trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS còn 25,05%...
Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu: Tỷ lệ người DTTS trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề đạt 52%; thôn bản có đường ô tô đến trung tâm đạt 100%; tỷ lệ hộ dân ở nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trên 98%; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS giảm 2 - 2,5%/năm; 50% xã thoát khỏi diện ĐBKK so với tổng số xã thuộc diện ĐBKK hiện nay; phấn đấu đến năm 2030 cơ bản không còn xã ĐBKK…