Tinh hoa hội tụ
Qua hàng trăm năm vỡ đất lập bản, lập làng, những nét đặc trưng của văn hóa đã kết đọng trong cộng đồng dân cư, tạo nên những sắc thái riêng biệt và trở thành những di sản văn hóa phong phú cho mảnh đất Tuyên Quang. Cùng với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, những giá trị văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc các dân tộc đã tạo nên linh hồn của nơi đây. Tuyên Quang trở thành một điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh, toàn tỉnh hiện có 425 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 10 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ VHTT&DL đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, là: Lễ hội Lồng tông, hát Then của dân tộc Tày; hát Páo dung, lễ Cấp sắc của dân tộc Dao; kéo co truyền thống của cộng đồng các dân tộc Tuyên Quang; hát Soọng cô của dân tộc Sán Dìu; hát Sình ca của người Cao Lan (nhóm địa phương thuộc dân tộc Sán Chay); Lễ hội Đình Thọ Vực; Lễ hội rước Mẫu đền Hạ, đền Thượng và đền Ỷ La; Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao…
Có thể ví Tuyên Quang như một hình ảnh thu nhỏ của văn hóa Việt Bắc, bởi mảnh đất này đang lưu giữ một bề dày giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS với một kho tàng giàu có.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh cho biết, để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS trên địa bàn tỉnh, ngành Văn hóa tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh khôi phục, lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của các DTTS thông qua việc tổ chức, phục dựng những lễ hội truyền thống; bảo tồn, khôi phục những làn điệu dân ca của địa phương. Nhờ đó, nhiều phong tục, tập quán, văn hóa đặc sắc được khôi phục, bảo tồn, dần trở thành món ăn tinh thần độc đáo của Nhân dân, du khách trong nước và quốc tế.
Hiện nay, Sở VHTT&DL đang tiến hành kiểm kê toàn diện 40 di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó lựa chọn những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, lập hồ sơ đề nghị Bộ VHTT&DL đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia để có biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Nỗ lực biến di sản thành tài sản
Nghệ nhân Ưu tú Sầm Văn Dừn, thôn Mãn Hóa, xã Đại Phú (huyện Sơn Dương) cho biết, từ năm 2015, hát Sình ca của người Cao Lan đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Từ đó đến nay hát Sình ca ngày càng được quan tâm gìn giữ và phát huy, được biểu diễn ở nhiều lễ hội, các hoạt động văn nghệ, biểu diễn phục vụ du khách. Ở nơi ông sinh sống, số người tham gia học, hát Sình ca tại các câu lạc bộ (CLB) ngày càng tăng, hoạt động của CLB bộ ngày càng quy củ, chất lượng làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của người dân và trở thành điểm nhấn đối với du khách.
Ðể bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống ấy, trong những năm qua, tỉnh Tuyên Quang thường xuyên chỉ đạo và tạo điều kiện cho các huyện, xã và các cá nhân tham gia giữ gìn văn hóa cổ truyền của dân tộc.
Hiện trên địa bàn tỉnh có trên 200 CLB đàn hát dân ca và bảo tồn văn hóa dân tộc, 70 CLB hát Then - đàn Tính, 6 CLB hát Páo dung của dân tộc Dao, 13 CLB hát Sình ca của người Cao Lan... được duy trì hoạt động thường xuyên, góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ trong quần chúng, bảo tồn và lưu giữ bản sắc văn hóa các dân tộc.
Trên địa bàn Tuyên Quang, nhiều huyện đã và đang làm tốt công tác bảo tồn, gắn di sản văn hóa các dân tộc trong phát triển du lịch cộng đồng như Lâm Bình, Na Hang, Sơn Dương... khi biết khai thác những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc từ trang phục, nhà ở, ẩm thực, dân ca trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách trong nước và quốc tế. Điển hình như huyện Lâm Bình đã phát triển 26 điểm Homestay, mỗi năm thu hút hơn 15.000 lượt khách lưu trú.
Chính những kết quả ấy đã thay đổi tư duy của người dân về làm du lịch, bảo tồn văn hóa bền vững. Không chỉ giữ gìn truyền thống đặc sắc của dân tộc mình mà còn biến nó trở thành tài sản để làm giàu trên chính quê hương mình.
Phát triển các sản phẩm văn hóa gắn với du lịch cũng đang góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, bảo đảm du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho đồng bào.
Theo đánh giá của Sở VHTT&DL, việc bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống một cách đúng đắn đã đem lại hiệu quả thiết thực. Hệ thống di sản được bảo tồn và phát huy giá trị trong đời sống tinh thần của người dân, các thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư xây dựng, chỉnh trang ngày càng đồng bộ, phủ khắp vùng nông thôn.
Đặc biệt, các hoạt động văn hóa không còn diễn ra theo kiểu “Xuân Thu nhị kỳ” như trước mà phong phú hơn, thường xuyên hơn với nhiều CLB mới ra đời như hát dân ca, may trang phục truyền thống… Không khí sinh hoạt sôi nổi của các câu lạc bộ đã thổi một luồng sinh khí mới cho các bản làng.