Mở lối thoát nghèo
Một trong những lợi thế rõ nét mà mô hình HTX kiểu mới mang lại, là khả năng đưa các ứng dụng công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất một cách nhanh chóng, đồng bộ. Bên cạnh đó, mối liên kết giữa các hộ, nhóm sản xuất nhằm cùng nhau xác định các sản phẩm chủ lực, chia sẻ thông tin về thị trường… cũng được thiết lập và phát huy hiệu quả, giúp người dân từng bước thoát nghèo bền vững.
HTX cà chua Thành Long ở xã Thành Long, huyện Hàm Yên là một ví dụ điển hình. Trước đây, người nông dân ở Thành Long vẫn trồng lúa trên cánh đồng Mỏ Vàng của mình. Do đặc thù tự nhiên của địa phương, cánh đồng Mỏ Vàng thường xuyên bị ngập úng vào tháng 6 và tháng 7 dẫn tới mất mùa.
Nhận thấy sau mỗi mùa ngập úng, khu ruộng lại được bồi đắp lượng phù sa tăng độ phì nhiêu cho đất, giúp cây trồng phát triển tốt, người dân xã Thành Long đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Qua nghiên cứu, bà con đã quyết định chọn cây cà chua trồng thử và đến nay, loại cây này ngày càng khẳng định được vị thế là chủ lực, mang lại thu nhập cao.
Thực tế đã cho thấy, trồng cà chua đã giúp các hộ có kinh tế khấm khá hơn, đa số các hộ thu lãi vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng/vụ là chuyện không khó. Ông Trần Văn Duyệt (thành viên HTX Thành Long) chia sẻ: trung bình mỗi sào cà chua cho thu hoạch trên 2,1 tấn quả, giá bán khoảng 10 nghìn đồng/kg, trừ chi phí 2-4 triệu đồng/sào, bà con thu lãi trên 15 triệu đồng/sào, cao hơn so với cây trồng khác. Có thời điểm được giá, bà con thu lãi trên 40 triệu đồng/sào.
Theo ông Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc HTX Cà chua Thành Long, HTX được thành lập nhằm mục đích xây dựng thương hiệu và đưa sản phẩm cà chua địa phương đến đông đảo người tiêu dùng. HTX gồm 13 thành viên, đều là hội viên nông dân ở thôn Hưng Long. Các thành viên là những người trực tiếp tham gia sản xuất cà chua nhiều năm, nên có nhiều kinh nhiệm trong việc trồng và chăm sóc cà chua đạt năng suất, chất lượng. Từ trồng cà chua giúp các hộ lãi vài chục triệu đồng/vụ. Tiêu biểu như hộ ông Vũ Văn Tứ, bà Nguyễn Thị Thanh, ông Phạm Văn Nguyện…
"Thời gian tới, HTX tiếp tục huy động đủ nguồn vốn đầu tư, ứng dụng khoa học tiên tiến vào sản xuất, tăng năng suất, chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường", ông Bắc thông tin.
Được biết, toàn huyện Hàm Yên hiện có 40 HTX, đa số các HTX đều hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp, với quy mô phù hợp. Vai trò của HTX làm cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi liên kết. Nhằm nâng cao chất lượng các HTX, Hàm Yên lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ để HTX phát triển, hoạt động hiệu quả dựa trên lĩnh vực có lợi thế.
Để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiều HTX đã tập trung củng cố, chuyển đổi mô hình hoạt động theo hướng phát huy năng lực, nâng cao hiệu quả, tạo được sức mạnh tập thể trong sản xuất, kinh doanh góp phần nâng cao doanh thu, mang lại lợi ích thiết thực cho các thành viên. Từ đó, đã xuất hiện nhiều mô hình tiên tiến, làm cầu nối chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: Xây dựng vùng chè sạch VietGAP Làng Bát ở xã Tân Thành của HTX chè xanh Làng Bát; mô hình sản xuất rau an toàn của HTX rau quả an toàn Đức Ninh; mô hình sản xuất quả cà chua sạch của HTX cà chua Thành Long hay vùng chăn nuôi vịt bầu Minh Hương… Qua đó, tạo ra chuỗi sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Nòng cốt trong tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp
Có thể thấy, phát triển nông nghiệp là mục tiêu mà ngành Nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang luôn hướng tới. Làm được việc này, có sự góp sức không nhỏ của các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp để thay đổi tập quán canh tác, tạo lập vùng nông sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Trong bối cảnh có sự cạnh tranh mạnh mẽ, việc phát triển nông sản tốt gắn liền với xây dựng thương hiệu, uy tín là bài toán đặt ra với doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất.
Theo ông Đồng Mạnh Cường, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Tuyên Quang, toàn tỉnh hiện có 998 tổ hợp tác và HTX, trong đó có 452 HTX, với hơn 32 nghìn thành viên, tổng số vốn điều lệ trên 1 nghìn tỷ đồng. Trong giai đoạn 2017 - 2020, kinh tế tập thể, nòng cốt là các HTX, đã góp phần vào tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới; đồng thời đã tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập cho hàng trăm nghìn lao động trong tỉnh.
Hiện nay, tỉnh Tuyên Quang đang tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ nông sản. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân làm nông sản tốt…. Đây chính là việc làm thiết thực để thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, đạt mục tiêu tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2015-2020 đạt bình quân trên 4%/năm, góp phần nâng cao giá trị kinh tế trong sản xuất cho người nông dân, thực hiện khâu đột phá trong phát triển nông, lâm nghiệp hàng hoá hiệu quả, bền vững...