Xin bà thông tin khái quát về đời sống kinh tế-xã hội vùng đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây?
Bà Hồ Thu Ánh: Đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Hậu Giang chiếm 4,16% dân số toàn tỉnh, trong đó đồng bào Khmer 24.103 người, chiếm tỷ lệ 3,3% dân số toàn tỉnh; kế đến là dân tộc Hoa, dân tộc Chăm và các dân tộc khác. Những năm qua, hiệu quả mang lại từ các chương trình, dự án chính sách dân tộc, như chương trình 134, 135 và các chương trình MTQG, đời sống đồng bào dân tộc Khmer được nâng lên rõ rệt.
Đặc biệt, cơ cấu kinh tế chuyển dịch dần từ sản xuất nông nghiệp truyền thống, lạc hậu sang nông nghiệp hiện đại, công nghiệp và dịch vụ. Từ đó, kinh tế dần phát triển, đời sống được cải thiện nhiều mặt; 98% đồng bào dân tộc Khmer có cuộc sống ổn định.
Văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer được bảo tồn và phát triển. Các lễ hội và nghi lễ truyền thống như Chôl Chnăm Thmây, Sen Dolta, Ok Om Bok vẫn được duy trì và tổ chức trong không khí vui tươi, phấn khởi. Nổi bật nghệ thuật hát Aday của đồng bào Khmer đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Đồng bào dân tộc Khmer luôn thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, có lối sống gần gũi, đoàn kết và không bị ảnh hưởng bởi các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.
Được biết, trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng kinh tế của Hậu Giang đã đứng đầu cả nước. Kết quả này có tác động từ triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719 trong vùng đồng bào DTTS, Bà có thể thông tin rõ hơn về điều này?
Bà Hồ Thu Ánh: Kinh tế của tỉnh Hậu Giang đang được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng kinh tế của cả nước. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2021 đạt 3,28%, cao hơn mức bình quân của cả nước (2,56%); năm 2022 đạt 13,94%, cao nhất kể từ khi thành lập tỉnh và đứng thứ tư cả nước. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng kinh tế Hậu Giang vươn lên đứng đầu cả nước khi đạt 14,21%. Kết quả này, đánh dấu sự phát triển bứt phá nhất trong gần 20 năm thành lập tỉnh.
Góp phần cho bức tranh phát triển kinh tế chung của tỉnh, là việc sự quyết tâm của toàn hệ thống chính trị với những giải pháp phù hợp, linh hoạt để triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh nhằm đạt mục tiêu: Giảm hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm từ 1%/năm, hộ nghèo DTTS giảm trên 2%/năm; đến năm 2025, tỉnh phấn đấu giảm 1/2 số hộ nghèo và hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia; hỗ trợ xây dựng, nhân rộng 20 mô hình, dự án giảm nghèo tạo sinh kế; hỗ trợ 80% nhu cầu nâng cao năng lực sản xuất cho người có khả năng lao động thuộc hộ nghèo; hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững…
Để đạt được những mục tiêu này, tỉnh thực hiện 9 dự án thành phần, dự kiến tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2022-2025 khoảng 184,558 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, vốn vay ưu đãi Ngân hàng Chính sách Xã hội và các nguồn vốn đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để sử dụng hiệu quả cho công tác giảm nghèo, nhất là giảm nghèo vùng đồng bào DTTS.
Đồng thời, đảm bảo 100% người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm và đảm bảo nguồn vốn cho vay phát triển sản xuất - kinh doanh...
Bà đánh giá thêm về những kết quả bước đầu, nhất là những tác động tích cực đối với đồng bào Khmer từ việc các dự án, nội dung Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang?
Bà Hồ Thu Ánh: Đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh chủ yếu là dân tộc Khmer, khi triển khai các chương trình MTQG xây dựng NTM; giảm nghèo bền vững; đặc biệt là gần 3 năm qua thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, địa phương luôn quan tâm ưu tiên đầu tư hỗ trợ vào những công trình, dự án để giải quyết những vấn đề khó khăn cấp thiết, cản trở sự phát triển trong đời sống của đồng bào DTTS nói chung và đồng bào Khmer nói riêng.
Ví như, thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng là người Khmer, đáp ứng với xu hướng phát triển hiện nay, tỉnh đã tập trung vào phát triển giáo dục và đào tạo cho đồng bào dân tộc Khmer, với giải pháp đầu tư, hỗ trợ cho các trường phổ thông dân tộc nội trú ở tất cả các cấp học.
Nhờ đó mà, tỷ lệ học sinh Khmer đến trường ở cấp học mẫu giáo đạt trên 95%, học tiểu học trên 90%, học trung học cơ sở trên 94%, học trung học phổ thông trên 93%. Đồng bào dân tộc Khmer đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông đạt trên 95%,… Toàn tỉnh có 134/8.551 cán bộ quản lý, giáo viên là người DTTS, chiếm tỷ lệ: 1.57%.
Đối với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe (Dự án 7), hiện nay 100% trạm y tế trong vùng đồng bào dân tộc Khmer được xây dựng kiên cố; 90% đồng bào dân tộc Khmer tham gia Bảo hiểm y tế và 100% đồng bào dân tộc Khmer thuộc diện được cấp phát thẻ BHYT được cấp phát theo quy định; gần 90% phụ nữ đồng bào dân tộc Khmer có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế và có sự trợ giúp của cán bộ y tế.
Thực hiện Dự án 6, các địa phương cũng chú trọng đầu tư vào cơ sở văn hóa và thông tin, đảm bảo đồng bào dân tộc Khmer có cơ hội tiếp cận thông tin và phát huy truyền thống văn hóa. Việc truyền tải thông tin và giáo dục bằng tiếng Khmer cũng được thực hiện đều đặn đúng theo định kỳ.
Đặc biệt, tỉnh Hậu giang duy trì tổ chức Liên hoan nghệ thuật các dân tộc hưởng ứng “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” (19/4) theo Quyết định số 1668/QĐ-TTg ngày 17/11/2008 của Thủ tướng Chính phủ nhằm mục tiêu giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm, niềm tự hào về việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh khối Đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Kết quả từ việc giải quyết tình trạng thiếu đất ở và đất sản xuất cho đồng bào dân tộc Khmer theo Dự án 1, hiện chỉ còn một số nhỏ hộ cần được hỗ trợ đất ở và sản xuất, và tỉnh đang nỗ lực để kịp thời hỗ trợ để đồng bào ổn định cuộc sống.
Về cơ bản, tỉnh Hậu Giang đã đạt được nhiều thành tựu trong việc cải thiện đời sống và phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào Khmer. Từ đó, các phum sóc đồng bào Khmer ngày càng khởi sắc. Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người của đồng bào dân tộc Khmer đã tăng từ 15 triệu đồng/người/năm năm 2018 lên 30 triệu đồng/người/năm vào năm 2023, trong vùng xuất hiện nhiều điển hình người dân tộc Khmer sản xuất giỏi. Các chỉ số về giáo dục, đào tạo, văn hóa và thông tin cũng đã được cải thiện đáng kể.
Những nhiệm vụ trọng tâm hiện nay tỉnh Hậu Giang đặt ra để tiếp tục nâng cao đời sống kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn là gì, thưa bà ?
Hậu Giang đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu hộ nghèo DTTS (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm trên 2%/năm; hỗ trợ xây dựng, nhân rộng 150 mô hình, dự án giảm nghèo; 100% người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, hỗ trợ tìm việc làm; phấn đấu 50% xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn; 100% xã vùng DTTS có đường ô tô đến trung tâm xã và đường liên xã được rải nhựa hoặc bê tông hóa; 92% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 90% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề...
Để thực hiện các mục tiêu trên, cùng với việc triển khai hiệu quả các chương trình MTQG, Hậu Giang tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng, đặc thù của vùng đồng bào DTTS, thúc đẩy tinh thần tự lực, tự cường của đồng bào trong phát triển kinh tế - xã hộivà bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát triển đồng bộ hạ tầng thiết yếu, phục vụ sinh hoạt, sản xuất, giao thương, tăng cường kết nối thị trường, lưu thông hàng hóa bảo đảm yêu cầu..., hướng tới giảm nghèo nhanh và phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS
Nhân dịp đón mùa Sen Dolta năm 2023, bà có lời gì muốn gửi tới đồng bào Khmer trên địa bàn toàn tỉnh?
Bà Hồ Thu Ánh: Trước thềm chào đón mùa Sen Dolta năm 2023- mùa hiếu hạnh của đồng bào Khmer, thay mặt cho lãnh đạo tỉnh, những người làm công tác dân tộc, tôi trân trọng gửi đến quý bà con DTTS, đặc biệt là phật tử người Khmer trên địa bàn tỉnh lời chúc mừng, lời thăm hỏi ân cần với tình cảm chân thành nhất; chúc bà con đón một mùa Sen Dolta thật ấm áp, mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công!
Trân trọng cảm ơn Bà!