Bảo tồn nghệ thuật hát Aday của đồng bào Khmer
Tỉnh Hậu Giang hiện có khoảng 30.200 người DTTS, chiếm 4,16% dân số toàn tỉnh, (dân tộc Khmer chiếm 3% dân số). Đại đa số đồng bào các DTTS trong tỉnh luôn ý thức việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc mình, trong đó, phải kể đến việc giữ gìn, bảo tồn các nhạc cụ dân tộc, trang phục dân tộc.
Triển khai thực hiện Dự án 6 thuộc Chương trình MTQG 1719 đã có 6 chùa Khmer trên địa bàn thành phố Vị Thanh, huyện Vị Thủy và Châu Thành A được nhận nhạc cụ và trang phục cho loại hình nghệ thuật Aday. Một bộ nhạc gồm 6 nhạc cụ (trống Aday, đờn cò, gáo, bá nguyệt, sáo trúc và chum); 10 bộ trang phục dành cho ca sĩ nam, nữ và nhạc công với giá trị trên 200 triệu đồng (vốn của Dự án 6 năm 2022).
Ông Lê Công Khanh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hậu Giang, cho biết: Giai đoạn 2016-2020, nhận thấy nghệ thuật hát Aday của đồng bào Khmer Nam bộ là loại hình nghệ thuật đặc sắc, có nguy cơ mai một, tỉnh đã triển khai Đề án "Truyền dạy và bảo tồn nghệ thuật hát Aday của đồng bào Khmer Nam bộ". Qua đó, hàng chục lớp tập huấn từ cơ bản đến nâng cao được tổ chức, thu hút sự tham gia của hàng trăm học viên là người dân tộc Khmer trên địa bàn. Từ sự nỗ lực, cố gắng đó, giữa năm 2022, loại hình nghệ thuật hát Aday được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia". Đây vừa là niềm vinh dự của địa phương nhưng cũng đặt ra trách nhiệm trong công tác giữ vững danh hiệu.
Theo lý ông Ký Hiếu Thanh - Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh thì, loại hình nghệ thuật hát Aday nếu chỉ học hát, mà thiếu nghệ nhân đờn, không có nhạc cụ, thì khó có thể phát huy. Do đó, khi triển khai Dự án 6, Chương trình MTQG 1719, Hậu Giang tiếp tục có thêm nguồn kinh phí để giữ gìn, phát huy loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc Khmer đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đồng thời, thông qua loại hình nghệ thuật hát Aday tạo sân chơi lành mạnh cho đồng bào nhân dịp lễ, Tết cổ truyền. “Trong thời gian tới, từ nguồn vốn của Dự án 6 về "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của DTTS gắn với phát triển du lịch", chúng tôi sẽ cụ thể hoá thành nhiều gói hỗ trợ để triển khai thực hiện, qua đó, đồng bào sẽ được hưởng lợi một cách thiết thực và hiệu quả nhất.” Ông Ký Hiếu Thanh khẳng định.
Phát huy hiệu quả Dự án 6
Không chỉ triển khai thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc, trong công tác bảo tồn phát huy giá trị văn hoá truyền thống Hậu Giang còn gắn với tạo sinh kế cho đồng bào DTTS qua các dự án bảo tồn gắn với phát triển du lịch, dịch vụ phục vụ khách du lịch, cải thiện nguồn thu nhập cho đồng bào.
Ông Lê Công Khanh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hậu Giang cho biết thêm, ngoài tiếp tục thực hiện "Đề án Bảo tồn nghệ thuật hát Aday của đồng bào dân tộc Khmer", chúng tôi đã phối hợp với các ngành chức năng rà soát, nghiên cứu phục dựng, bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể khác trên địa bàn đang có nguy cơ mai một; tổ chức tọa đàm phát triển du lịch gắn với loại hình nghệ thuật truyền thống của đồng bào Khmer; tập huấn về kỹ năng phục vụ lưu trú, chế biến món ăn truyền thống, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ mang đậm bản sắc riêng của từng dân tộc.
Với tỷ lệ chiếm 3% dân số toàn tỉnh, đồng bào dân tộc Khmer đang được thụ hưởng các chính sách từ Chương trình MTQG 1719 trong thời gian qua. Đại đức Danh Tuấn, Hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Hậu Giang cho biết, những năm gần đây được Nhà nước quan tâm hỗ trợ bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật Aday nói riêng, các loại hình nghệ thuật khác của dân tộc Khmer nói chung là niềm vinh hạnh, tự hào của đồng bào Kkmer. "Được biết, trong thời gian sắp tới Sở Văn hóa và Thể thao Du lịch chọn Lễ Dâng y cà sa của đồng bào dân tộc Khmer để thực hiện phim tư liệu, Sư sãi và đồng bào Phật tử rất vui mừng và chờ đợi điều này. Hy vọng, khi phim tư liệu hoàn thành sẽ giúp người dân, đặc biệt là phật tử là dân tộc Khmer hiểu sâu hơn nét đẹp văn hóa độc đáo của dân tộc mình, để tiếp tục bảo tồn, phát huy trong thời gian tới" Đại đức nhấn mạnh.
Việc quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện để bảo tồn và phát huy nét văn hóa độc đáo của dân tộc Khmer bằng những việc làm cụ thể, sát với nhu cầu thực tế, đã, đang và sẽ góp phần tạo nên sức lan tỏa, trong việc bảo tồn, phát huy nét văn hóa độc đáo của dân tộc Việt Nam nói chung, đồng bào dân tộc Khmer nói riêng.
Bà Hồ Thu Ánh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhận định, đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh luôn ý thức trách nhiệm về việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc. Đây là một trong những điểm rất thuận lợi để địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả Dự án 6, Chương trình MTQG 1719 trong thời gian tới.