Chính sách chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) được thực thi trên địa bàn tỉnh đã góp phần tạo thêm nguồn kinh phí quan trọng giúp duy trì công tác quản lý, bảo vệ rừng; hỗ trợ phát triển sinh kế, nâng cao đời sống cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng trên địa bàn tỉnh.
Từ nguồn tiền ERPA nhận được, các hộ gia đình có thêm khoản tiền để đầu tư sinh kế. Còn các cộng đồng dân cư, có nguồn kinh phí để xây dựng, sửa chữa đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa thôn, đường điện chiếu sáng, tu sửa loa truyền thanh thôn, mua dụng cụ phòng chống cháy rừng, lắp đặt biển bảng tuyên truyền bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng… qua đó, hoàn thành được nhiều chỉ tiêu trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Hà Tĩnh là 1 trong 6 tỉnh thực hiện Nghị định số 107/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (Thỏa thuận ERPA).
Đối với các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư chưa thực hiện thanh toán, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn cụ thể UBND cấp xã trong việc rà soát, tổng hợp danh sách hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hưởng lợi từ nguồn ERPA trên địa bàn, gửi về Quỹ kịp thời để thực hiện giải ngân, đảm bảo chi trả đúng đối tượng.
Ông Phan Thanh Tùng - Trưởng phòng Bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh) cho rằng, tiềm năng bán tín chỉ Carbon rừng Hà Tĩnh rất lớn, nếu các chủ rừng được hưởng thêm nguồn chi trả từ chính sách thí điểm ERPA này, tương lai sẽ mở ra cơ hội vàng giúp các chủ rừng Hà Tĩnh nói riêng, 6 tỉnh khu vực Bắc Trung bộ nói chung “sống” được nhờ bảo vệ rừng, thậm chí làm giàu từ rừng.
Qua soát xét từ các số liệu thống kê theo kế hoạch, Hà Tĩnh có hơn 201,7 nghìn ha rừng tự nhiên được nhận chi trả từ nguồn ERPA, với 16 chủ rừng là tổ chức và 42 UBND xã và hơn 2.790 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng. Trên cơ sở đó, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam đã điều phối khoảng 123 tỷ đồng nguồn chi trả phát thải nhà kính cho các chủ rừng, góp phần giúp địa phương phát triển kinh tế xanh, mang lại một nguồn thu lớn.
Bên cạnh đó, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Hà Tĩnh thường xuyên chủ động phối hợp với các Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm trong việc tham mưu, xây dựng, góp ý các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản chỉ đạo điều hành của cấp trên, hướng dẫn lập kế hoạch tài chính cho các chủ rừng là tổ chức, địa phương trên địa bàn tỉnh kịp thời, hiệu quả.
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã tổ chức 3 khóa tập huấn về các nội dung liên quan đến chính sách chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ cho chủ rừng là tổ chức, chủ rừng là UBND cấp xã tại thành phố Hà Tĩnh, huyện Cẩm Xuyên và huyện Hương Khê và đang xây dựng kế hoạch thực hiện công tác đảm bảo an toàn, môi trường xã hội trong phạm vi hoạt động.
Tuy nhiên, khi triển khai chi trả giảm phát thải địa phương cũng gặp phải một số khó khăn nhất định do đây là chính sách thí điểm loại hình dịch vụ môi trường rừng mới, chưa có tiền lệ tại Việt Nam. Đến nay, cơ bản những khó khăn vướng mắc đã được hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ.
Để đạt mục tiêu đề ra trong năm 2024, hiện nay Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Hà Tĩnh đang tăng cường công tác tuyên truyền, đẩy mạnh và thực hiện tốt công tác thu, chi dịch vụ môi trường rừng và nguồn tiền ERPA từ đó giúp các các chủ rừng và các hộ nhận khoán rừng có thêm thu nhập cải thiện đời sống, góp phần làm tốt công tác quản lý và bảo vệ rừng.