Anh Đàm Văn Triệu hướng dẫn người dân đến tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh khi nuôi gàTrên thực tế, nhiều thanh niên trẻ nơi đây đã mạnh dạn tiên phong khởi nghiệp trên chính quê hương. Dưới tán 4.000 cây trà hoa vàng, chàng thanh niên dân tộc Sán Chỉ Đàm Văn Triệu (xã Thanh Sơn) đã quyết định phát triển thêm chăn nuôi thả đàn gà tự nhiên trên đồi. Mỗi năm, gia đình anh duy trì chăn nuôi 3 lứa với 1.000 con, đem lại thu nhập 100-200 triệu đồng/năm.
Việc nuôi gà dưới tán trà hoa vàng rất hiệu quả, bởi cây làm bóng mát cho gà, gà nhặt cỏ, bắt sâu cho cây, thải phân bón cho cây sinh trưởng tốt hơn. "Thời gian tới, tôi sẽ nghiên cứu từng bước triển khai mô hình du lịch sinh thái với trải nghiệm tham quan vườn trà, thưởng thức gà thả đồi và các món ăn đặc trưng của địa phương cho du khách”, anh Triệu chia sẻ thêm.
Dám nghĩ, dám làm, anh Triệu A Nhì (1997) người Dao, thôn Nà Bắp, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ đã quyết tâm gây dựng mô hình nuôi gà, dê kết hợp trồng cây giống. Với diện tích gần 2.000m2 đất của gia đình, anh quyết tâm nghiên cứu các tài liệu về kỹ thuật nuôi gà, rồi học hỏi qua các chuyến đi thực tế đến các trang trại chăn nuôi lớn, từ đó áp dụng vào đàn gà nhà mình, đồng thời mạnh dạn tạo dựng mô hình kinh tế mới phù hợp với đặc thù địa phương…
Từ một trang trại quy mô nhỏ, đến nay gia đình anh nuôi hơn 1.200 con gà thương phẩm, mỗi năm anh xuất chuồng 3 lứa, thu nhập gần 400 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn kết hợp nuôi dê và trồng gần 3ha các loại cây giống keo, quế, trà hoa vàng, sâm cau... mang lại nguồn thu nhập gần 200 triệu đồng mỗi năm.
“Tôi cũng như nhiều thanh niên người Dao ở quê hương giờ muốn tự mình làm chủ cuộc sống chứ không muốn phụ thuộc vào thiên nhiên, vào sự hỗ trợ của chính quyền nữa. Mảnh đất của mình rất thích hợp để phát triển trồng cây rừng và chăn nuôi, chẳng tội gì không tận dụng tiềm năng, lợi thế ấy”, anh Nhì chia sẻ.
Không chỉ là những tấm gương khởi nghiệp thành công ngay tại quê hương, anh Triệu A Nhì còn tích cực giúp bà con thôn, bản, đặc biệt là thanh niên trẻ phát triển kinh tế: hướng dẫn áp dụng công nghệ trong chăn nuôi, hỗ trợ con giống … Mô hình chăn nuôi gà, dê kết hợp trồng cây giống của anh Nhì ngày càng được nhiều thanh niên và người dân ở các địa phương khác đến học hỏi kinh nghiệm.
Mô hình nuôi gà trang trại của anh Triệu A Nhì đang được nhiều hộ thanh niên học hỏi làm theoKhoảng 5 năm trở lại đây, trên địa bàn huyện Ba Chẽ phát triển trên 30 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ, đa phần đạt hiệu quả cao, như: Trồng cây ăn quả, cây dược liệu; nuôi bò, gà,...Các mô hình không chỉ giúp thanh niên trong huyện vươn lên làm giàu, mà còn tạo sức lan tỏa lớn trong tuổi trẻ thi đua khởi nghiệp, lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương.
Theo Huyện đoàn Ba Chẽ, hiện các mô hình kinh tế của thanh niên phát triển ở 7/7 xã, thị trấn của huyện, thu hút đông đảo thanh niên tham gia. Huyện đoàn sẽ tiếp tục rà soát, thống kê các mô hình khởi nghiệp do thanh niên đăng ký để hỗ trợ, tạo điều kiện cho thanh niên có động lực vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo, làm giàu cho gia đình và địa phương.
Cùng với đó, để nâng cao đời sống nông dân, góp phần giảm thiểu hộ nghèo, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện Ba Chẽ đã tuyên truyền, vận động, khích lệ, động viên vận động hội viên nông dân tham gia thực hiện các mô hình, dự án thuộc lĩnh vực sản xuất, phát triển kinh tế; phối hợp Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện tạo điều kiện cho hàng nghìn hộ nông dân vay tiền đầu tư vào sản xuất, phát triển kinh tế...
Tính đến nay, đã có 1.338 hộ nông dân đăng ký thi đua Hội Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; duy trì hoạt động Câu lạc bộ "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi huyện Ba Chẽ" cùng hợp tác, hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm.
Cây dược liệu sẽ trở thành một nghề có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của huyện Ba ChẽVà cứ thế, với sự nỗ lực của cả chính quyền và người dân, cuộc sống của đồng bào các dân tộc ở huyện miền núi Ba Chẽ đã dần thay đổi rõ rệt, cái khó khăn, đói nghèo dần rời xa, nhường chỗ cho sự no ấm. Đến cuối năm 2024, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 80 triệu đồng/người/năm. Toàn huyện không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo còn 1%.