Làm giàu từ trà hoa vàng
Trà hoa vàng là thảo dược quý có dược tính cao. Từ lá, búp non và hoa trà đều có công dụng, riêng lá trà có thể hái bất kỳ mùa nào trong năm mà không ảnh hưởng tới chất lượng. Vụ thu hoạch trà hoa vàng bắt đầu từ tháng 12 kéo dài đến tháng 3 năm sau. Khoảng thời gian từ 6 giờ sáng là thời điểm vàng trong ngày để ngắt được những nụ trà chất lượng, bán được giá cao.
Gia đình chị Phòong Thị Dân, thôn Khe Lọng Ngoài, xã Thanh Sơn có hơn 2,5ha trà vàng trồng tập trung, theo hàng thẳng lối, trở thành mô hình mẫu của địa phương. 2/3 diện tích vườn trà có tuổi đời từ 7-10 năm, đang độ cho hoa đẹp và chất lượng nhất.
"Để hái được hoa loại 1 thì phải đi từ sớm, đến muộn ong châm trích thì sẽ bị dập. Vào mùa chính vụ thì phải hái cả đêm. Những bông hơi bung cánh thì mới thu hoạch, còn là nụ thì chưa hái vì như vậy chưa có giá trị. Những ngày đầu mùa thì chỉ hái được từ 5-6 kg hoa tươi, còn vụ chính thì khoảng 20 kg/ngày", chị Dân chia sẻ.
Từ loại cây mọc tự nhiên trong rừng, đến nay trà hoa vàng Ba Chẽ đã trở thành sản phẩm OCOP nổi tiếng cả nước và được trồng tập trung ở các xã Đồn Đạc, Đạp Thanh, Thanh Lâm, Thanh Sơn, Nam Sơn và Lương Mông, nơi chủ yếu là đồng bào DTTS sinh sống.
Ông Đàm Văn Cường, một người dân thôn Khe Lọng cho biết, sau mỗi mùa vụ, gia đình có thể để ra được 300 triệu đồng. Thế nhưng, năm ngoái gia đình ông thu hoạch được 1 tấn thì trà loại 2, loại 3 các cơ sở không lấy, vì lý do họ không sấy được hết. Hầu hết các hộ trồng đang gặp khó khăn trong việc bảo quản trà hoa vàng. ông mong muốn địa phương có thêm các cơ sở sấy hoa khô để bảo quản trà loại 1:
"Với khó khăn này, chúng tôi rất mong muốn có thêm các lò sấy ở các xã để có thể sấy và tiêu thụ tất cả hoa cho bà con. Như vậy thì bà con sẽ bán được hết trong mùa thu hoạch, lợi nhuận kinh tế cao hơn từ việc trồng trà hoa vàng”.
Ưu tiên trong quy hoạch vùng trồng
Với thổ nhưỡng thích hợp, huyện Ba Chẽ đã không ngừng mở rộng diện tích trồng trà hoa vàng với khoảng 160ha, trong đó 100ha đã cho thu hoạch. Đến nay, Ba Chẽ đã triển khai khoảng 10 mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ và được cấp mã vùng trồng trà. Nghề trồng cây dược liệu quý này không chỉ tạo sinh kế, giúp người dân làm giàu trên đất khó mà còn tạo ra những giá trị văn hóa đặc sắc, riêng có là nền tảng để huyện miền núi Ba Chẽ phát triển cả dịch vụ du lịch. Ông Vi Thành Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Chẽ chia sẻ:
"Chúng tôi đang hướng dẫn bà con trồng thêm và duy trì diện tích trồng trà hữu cơ. Nguồn lợi đầu tiên từ việc này là duy trì được chất lượng và thương hiệu OCOP trà hoa vàng. Chúng tôi tiếp tục rà soát các hộ gia đình có diện tích lớn để liên kết với các doanh nghiệp, hoàn chỉnh các thủ tục hồ sơ để kiến nghị cấp thêm diện tích vùng trồng an toàn cho Ba Chẽ”.
Ngoài phát triển vùng trồng, nâng diện tích trồng, huyện rà soát các hộ trồng cây trà hoa vàng trong huyện và các vùng lân cận, thành lập tổ hợp ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh (xã Đạp Thanh) nhằm hỗ trợ về kỹ thuật, giống, vật tư đồng thời bao tiêu nguyên liệu...
Đồng thời, huyện Ba Chẽ đã kêu gọi thu hút, vận dụng cơ chế chính sách đặc biệt ưu đãi đối với các doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình đầu tư trong lĩnh vực phát triển, chế biến dược liệu. Nhờ đó, huyện đã thu hút được các doanh nghiệp vào xây dựng dự án, quy hoạch chi tiết, dự kiến sẽ nâng cấp công nghệ chế biến cây trà hoa vàng sau thu hoạch, từ đó nâng cao thương hiệu, tính cạnh tranh trên thị trường, hướng đến mục tiêu xuất khẩu sản phẩm ra quốc tế.
Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Khiếu Anh Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ nhấn mạnh: "Hết nhiệm kỳ 2020-2025, Ba Chẽ sẽ trở thành trung tâm kinh tế lâm nghiệp và dược liệu của tỉnh Quảng Ninh. Chúng tôi đã lập quy hoạch vùng trồng đặc biệt chú trọng tới các cây dược liệu có tiềm năng, giá trị của địa phương như trà hoa vàng và cây ba kích. Đến thời điểm này, toàn huyện Ba Chẽ có 300ha cây dược liệu trong đó có khoảng 160ha trà hoa vàng."
Với giá bán cao và ổn định, loài hoa được ví như vàng đã và đang mang lại hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho người trồng, giúp họ không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.