Buổi giao lưu có sự góp mặt của 13 người thợ Ê Đê đã trực tiếp tham gia vào quá trình tu sửa ngôi nhà dài, cùng những người đã có nhiều năm nghiên cứu và gắn bó với ngôi nhà dài Ê Đê: Ts. Lưu Hùng - nhà nghiên cứu, Nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam; PGs.Ts Phạm Văn Lợi - nhà nghiên cứu, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội; Ts. Bùi Ngọc Quang - Phó Giám đốc Phụ trách Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
Buổi giao lưu giúp công chúng hiểu rõ hơn về những nét đặc sắc trong đời sống sinh hoạt, bản sắc văn hóa của người Ê Đê, đồng thời là cơ hội cho công chúng tìm hiểu trực tiếp về ngôi nhà truyền thống và những biến đổi hiện nay.
Theo Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, ngôi nhà dài Ê Đê đã được phục dựng vào năm 2000 tại Bảo tàng. Để bảo tồn, gìn giữ lâu dài công trình kiến trúc dân gian và giúp khách tham quan tiếp tục có cơ hội được khám phá về văn hóa của người Ê Đê, Bảo tàng đã tổ chức cho cộng đồng người Ê Đê từ Tây Nguyên ra tu sửa lại ngôi nhà.
Sau gần 2 tháng, nhóm thợ người Ê Đê đến từ buôn Ky, phường Thành Nhất, Tp. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã hoàn tất một số hàng mục, như: Lợp lại mái nhà, làm lại cửa sổ, cửa chính, sửa lại sàn, vách, thay sàn gỗ và sắp xếp lại một số hiện vật bên trong ngôi nhà...
Là một trong những người trực tiếp tham gia vào công trình trưng bày ngôi nhà dài Ê Đê tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Ts. Lưu Hùng - Nhà nghiên cứu, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho biết, ngôi nhà dài của dân tộc Ê Đê được xây dựng tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trên cơ sở ngôi nhà của gia đình bà H’Đách Êban (người Ê Đê Kpạ) làm năm 1967 ở buôn Ky, Tp. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Ngôi nhà có chiều dài 42,5 m, sàn cao 1,1 m và rộng 6 m, được khánh thành vào năm 2000 tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.
Với vị trí tiên phong trong việc xây dựng khu trưng bày ngoài trời các công trình kiến trúc dân gian của các dân tộc ở Việt Nam, theo Ts. Lưu Hùng, đây là cả một quá trình đầy khó khăn đối với Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Trong quá trình đó, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam luôn kiên định 4 quan điểm cơ bản: Tôn trọng các chủ thể văn hóa, khai thác, phát huy vai trò của các chủ thể văn hóa; mỗi ngôi nhà được trưng bày tại Bảo tàng, không phải ngôi nhà chung mà là ngôi nhà cụ thể, có lịch sử, có chủ nhân, có địa điểm rõ ràng; mỗi công trình được lựa chọn đưa về trưng bày đều được thực hiện bằng chính người địa phương nơi có công trình đó, theo phương pháp, kinh nghiệm, kỹ năng, tập quán của chính họ; không chỉ giới thiệu vỏ kiến trúc, ngôi nhà về mặt vật chất mà hướng tới giới thiệu tổng thể cả phần phi vật thể, cuộc sống, sinh hoạt gắn với từng ngôi nhà.
Chia sẻ tại buổi giao lưu, PGs.Ts. Phạm Văn Lợi - Nhà nghiên cứu, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, do sự biến đổi về kinh tế, xã hội, hiện nay không gian sống của người Ê Đê đã có nhiều biến đổi, như: Sự biến đổi về loại hình từ nhà sàn dài xuống nhà sàn ngắn; sự biến đổi từ nhà sàn xuống nhà đất; sự biến đổi về nguyên vật liệu hay vật dụng sinh hoạt trong gia đình; sự biến đổi về không gian bên trong ngôi nhà… Do đó, việc nghiên cứu, đo vẽ, phục dựng và sửa chữa những chi tiết của ngôi nhà dài truyền thống tại Bảo tàng cũng khá khó khăn.
Theo Ts. Bùi Ngọc Quang - Phó Giám đốc Phụ trách Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, việc bảo tồn những công trình kiến trúc nguyên bản của các tộc người là trách nhiệm cao cả mà Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam hướng tới. Mặc dù quá trình phục dựng, tu sửa ngôi nhà dài còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là khó khăn trong tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu xây dựng, Bảo tàng vẫn kiên định với các quan niệm bảo tồn, phục dựng các ngôi nhà truyền thống trong Vườn Kiến trúc, nhất là quan điểm đề cao vai trò chủ thể văn hóa trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa tại Bảo tàng.
Do đó, quá trình xây dựng, sửa chữa ngôi nhà dài luôn có sự đồng hành của các chủ thể văn hóa, những người dân địa phương. Trong 13 người thợ tham gia tu sửa nhà dài lần này, có 4 người đã tham gia phục dựng, sửa nhà dài 3 lần, 3 người thợ đã tham gia 2 lần, còn lại là những người thợ trẻ mới ra lần đầu. Mong muốn của Bảo tàng là quá trình tu sửa nhà dài sẽ là cuộc truyền dạy các tri thức dân gian cho các thế hệ trẻ, nhất là giữa bối cảnh có nhiều biến đổi trong không gian sống của người Ê Đê hiện nay.
Chia sẻ tại buổi giao lưu, bác Y Yôč Hmok - Trưởng đoàn thợ tham gia sửa chữa nhà dài không khỏi xúc động, bởi đây là lần thứ 3 bác được tham gia tu sửa nhà dài. Hiện nay, ở buôn làng, những ngôi nhà truyền thống đã bị biến đổi ít nhiều, do đó, được tu sửa ngôi nhà truyền thống, đóng góp vào quá trình bảo tồn công trình kiến trúc dân gian của dân tộc là niềm tự hào của không chỉ bác mà còn của cả nhóm thợ tham gia.
Cũng tại buổi giao lưu, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã trao quà lưu niệm cùng Chứng nhận, ghi nhận những đóng góp của những người thợ Ê Đê trong việc phục dựng, tu sửa ngôi nhà dài tại Bảo tàng.