Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan tiếp tục thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị, Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 277/LĐTBXH-VPQGGN ngày 6/2/2023 và Công văn số 227/LĐTBXH-VPQGGN của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc đôn đốc thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; các văn bản chỉ đạo của các bộ, ngành liên quan và của UBND tỉnh về việc tăng cường quản lý, thanh toán để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2023...
Cùng với đó, các sở, ngành, đơn vị, địa phương tăng cường công tác theo dõi, giám sát, thanh tra, kiểm tra; kịp thời đề xuất với cấp có thẩm quyền các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; phấn đấu giải ngân 100% số vốn được giao trong năm 2023 và số vốn năm 2022 được kéo dài thời hạn giải ngân sang năm 2023 và xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2023.
UBND tỉnh giao Sở Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì. Đồng thời, căn cứ ý kiến của Kiểm toán nhà nước về việc kiểm toán Chương trình từ khi triển khai đến ngày 31/12/2022, để thực hiện theo thẩm quyền được giao trong việc quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình; kịp thời rà soát, chấn chỉnh, khắc phục theo quy định; xây dựng kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ năm 2023 trên địa bàn tỉnh bảo đảm thực hiện đúng, đủ quy trình, xác định chính xác đối tượng, bảo đảm quy định về thời gian và hệ thống mẫu, biểu báo cáo…
Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG của địa phương; rà soát danh mục các dự án đầu tư, nội dung hoạt động, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên về tính khả thi, tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm trọng tâm trọng điểm, công khai, minh bạch; dứt khoát không dàn trải, manh mún, tránh rủi ro trong quá trình thực hiện; kiên quyết đưa ra khỏi danh mục các dự án, hoạt động không hiệu quả, không khả thi. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương cấp xã có liên quan phân bổ, sử dụng vốn đầu tư, vốn sự nghiệp đúng đối tượng, nội dung chương trình.
Được biết, theo kết quả rà soát, năm 2022, tỉnh Gia Lai có 38.550 hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, chiếm tỷ lệ 10,06% tổng số hộ dân trên địa bàn tỉnh. Trong đó, số hộ nghèo đồng bào DTTS là 34.387 hộ, chiếm tỷ lệ 21,26% tổng số hộ đồng bào DTTS toàn tỉnh.