Dự và chủ trì Hội thảo có: Các Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương, Nguyễn Lâm Thành; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp; cùng đại diện lãnh đạo, các sở, ban, ngành các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Kon Tum.
Luật Đất đai là một đạo luật phức tạp, qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung đã mở rộng chính sách đất đai nói chung và với đồng bào DTTS nói riêng. Tuy nhiên, do vùng đồng bào DTTS và miền núi có những đặc thù, khó khăn hơn các vùng khác về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, việc áp dụng các chính sách có sự khác nhau, tùy thuộc vào nhận thức (hiểu biết pháp luật), tập quán của các DTTS và khả năng nguồn lực thực hiện chính sách, dẫn đến kết quả thực hiện rất hạn chế, ảnh hưởng đến quyền lợi của đồng bào; do đó việc xác định nội dung sửa đổi, bổ sung cần phải được xem xét, cân nhắc kỹ.
Trong tổng số 236 Điều của Dự thảo Luật, có 17 nội dung quy định cụ thể hơn về chính sách đất đai với đồng bào DTTS.
Với khu vực Tây Nguyên, là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và môi trường sinh thái của đất nước. Đất đai trên địa bàn luôn là nội dung nhạy cảm, dễ phát sinh các vấn đề tranh chấp, khiếu kiện… Vì vậy, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo bằng chủ trương, pháp luật và chính sách cụ thể. Đặc biệt, Ủy ban Dân tộc đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, xây dựng, tham mưu Chính Phủ trình Quốc hội khóa XIV ban hành nghị quyết 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể, Nghị quyết 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 với 10 dự án thành phần, trong đó có Dự án 1, 2, 9 có các nội dung liên quan đến vấn đề đất đai cho đồng bào DTTS và miền núi.
Tại Hội thảo, đại biểu các tỉnh Tây Nguyên đã tham luận đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nêu thực trạng và những khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý, sử dụng đất rừng giao cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân; thực trạng quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường giao lại cho địa phương quản lý và giao cho các hộ DTTS thiếu đất ở, đất sản xuất; những vấn đề đặt ra cho công tác xây dựng giá đất; khó khăn trong việc lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; những tác động, ảnh hưởng và vấn đề đặt ra khi bỏ “hộ gia đình” là chủ sử dụng trong nhiều điều khoản…
Cụ thể, về thực trạng quản lý, sử dụng đất nông lâm nghiệp, đất đai do các công ty nông lâm nghiệp quản lý sử dụng; chính sách đất đai cho đồng bào DTTS tại địa phương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai Lương Thanh Bình cho biết: Tỉnh hiện có 34 dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn, với tổng dân số trên 1,3 triệu người, trong đó đồng bào DTTS chiếm khoảng 44,7% dân số toàn tỉnh.
Trong quá trình triển khai việc giao đất, giao rừng tại địa phương cũng còn nhiều bất cập; diện tích đất nông nghiệp người dân đang sử dụng ổn định đan xen với diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng sản xuất… dễ xảy ra các tranh chấp về pháp lý và rất khó giải quyết. Để giải quyết thực trạng trên, đại diện tỉnh Gia Lai kiến nghị có chính sách về đất ở, đất sinh hoạt cộng đồng; có chính sách tạo điều kiện cho đồng bào DTTS có đất sản xuất, kinh doanh, bảo đảm sinh kế; UBND tỉnh cấp tỉnh theo điều kiện thực tế của địa phương, quy định cụ thể chính sách về đất đai… Theo đó, Chính phủ cần cụ thể hóa bằng Nghị định, Bộ Tài nguyên và Môi trường cụ thể hóa bằng Thông tư; cần cụ thể, rạch ròi hơn về khái niệm “hạn mức giao đất” và “hạn mức giao công nhận quyền sử dụng đất”…
Đối với chính sách giải quyết đất ở, đất sản xuất đồng bào DTTS, đại diện tỉnh Kon Tum, ông Nguyễn Ngọc Sâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho rằng: Việc cấp đất, giao đất cho đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn, trong khi đất nông lâm trường giao về địa phương quản lý hầu hết là lấn chiếm, đất lâm nghiệp, chưa kể đồi dốc, đất xấu mà khi giao cho đồng bào DTTS thì chưa tính đến… Quỹ đất của các công ty nông, lâm nghiệp thuộc Nhà nước khi thu hồi cũng gặp khó khăn liên quan hoạt động doanh nghiệp, kinh phí; quyền và nghĩa vụ giao đất cho đồng bào DTTS, các đối tượng được giao đất không có điều kiện kinh tế, trình độ... Vì vậy, cần chuyển qua hình thức góp vốn để huy động vốn các doanh nghiệp có thời hạn, nếu không sử dụng có thể thu hồi lại. Đồng thời, chính sách đất chuyển đổi mục đích còn còn khó khă về giá cả, cơ chế đặc biệt để giải quyết…
Đối với tỉnh Đắk Nông, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bùi Thanh Hà đề xuất xây dựng bảng giá đất là khung giá do Chính phủ ban hành phù hợp với thị trường; Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, nghiên cứu sử dụng các phương pháp định giá đất hiện đại; xây dựng hoàn thiện hệ thống thông tin dữ liệu định giá đất để phục vụ việc xác định. Cùng với đó, đại diện lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk đã thông tin những khó khăn vướng mắc trong việc lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đồng thời, đề nghị quy định việc tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chí, nguyên tắc được điều chỉnh quy hoạch, lập kế hoạch sử dụng đất tinh gọn, dễ hiểu, phù hợp thực tiễn…
Kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến tham luận tại Hội thảo. Các đại biểu đã đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gắn liền thực tiễn chính sách đất đai tại địa phương, khu vực đồng bào DTTS và miền núi. Qua Hội thảo, từ góc nhìn địa phương, các chuyên gia, nhà quản lý có cơ sở rà soát lại luật đất đai phù hợp thực tiễn của địa phương, chủ động giải quyết được khó khăn vướng mắc trong đồng bào DTTS…. Trên cơ sở các đề xuất, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội sẽ tổng hợp các nhóm vấn đề, gửi báo cáo lên cơ quan có thẩm quyền tổng hợp, góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trong thời gian tới.
Tây Nguyên có diện tích tự nhiên 54.474 km2, có đường biên giới với Lào và Campuchia dài khoảng 573,7 km tại 12 huyện và 32 xã biên giới. Toàn vùng có 5 tỉnh với dân số gần 5.900.000 người với 53 thành phần dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 52 DTTS chiếm 37,65% dân số toàn vùng. Đây là vùng có đông thành phần dân tộc nhất cả nước.