Theo lão nông Phạm Quang Minh (xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, Long An), lúa Nàng thơm Chợ Đào chỉ trồng ở đây mới thơm, vì vùng đất này được thiên nhiên ưu đãi. Lúa Nàng thơm Chợ Đào có chiều cao gấp đôi cây lúa bình thường, chu kỳ sinh trưởng từ 170 - 185 ngày, vì vậy 1 năm chỉ trồng được 1 vụ, được gieo vào tháng 6 - 7 âm lịch, đến tháng Chạp thu hoạch. Gạo Nàng thơm Chợ Đào thon dài, bẻ đôi bên trong có màu hạt lựu hồng hồng, khi nấu cơm vừa sôi là dậy mùi thơm, hạt cơm bóng mượt, dẻo, ăn rất ngon, đặc biệt để qua đêm cơm không bị thiu hay mất mùi thơm.
Tuy nhiên, theo nhiều lão nông, hiện nay gạo Nàng thơm Chợ Đào không còn mùi vị đặc trưng như trước, cơm cứng khô bởi giống lúa bị thoái hóa, một phần bởi sau khi có đê bao khép kín, không còn lụt, mặn, không có phù sa bồi đắp hàng năm. Bên cạnh đó, nông dân sử dụng phân bón thiếu khoa học, làm cho đất bị bạc màu, dẫn đến chất lượng gạo ngày càng giảm.
Trước nguy cơ giống lúa Nàng thơm Chợ Đào nức tiếng mất thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, nhiều năm qua, các ngành chức năng triển khai các giải pháp để phục tráng giống lúa này. Đồng thời, vận động nông dân hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật để bảo tồn được hương vị đặc trưng của gạo Nàng thơm Chợ Đào, nhưng hiệu quả chưa như mong muốn. Trường Đại học Cần Thơ cũng đã phối hợp Sở Khoa học - Công nghệ và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An thực hiện nhiệm vụ phát triển quỹ gen cấp quốc gia với đề tài: Khai thác và phát triển nguồn gen giống lúa Nàng thơm Chợ Đào tại xã Mỹ Lệ (huyện Cần Đước, tỉnh Long An) nhằm phục tráng giống lúa cổ truyền, phát triển và xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm gạo Nàng thơm Chợ Đào.
PGs.Ts. Võ Công Thành - Trường Đại học Cần Thơ (Chủ nhiệm đề tài) cho biết, qua thời gian thực hiện từ năm 2017 - 2021, có 5 ấp tại xã Mỹ Lệ canh tác giống lúa này, 6 ấp còn lại đã chuyển sang trồng các giống lúa cao sản khác. “Kết quả phục tráng 2 vụ 2018 và 2019 cho chất lượng cơm có mùi đặc trưng, màu trắng ngà, có vị ngon và được người tiêu dùng đánh giá cao gần với chất lượng gạo nguyên thủy. Đến nay, Trường Đại học Cần Thơ đã ký hợp đồng hỗ trợ 63 hộ nông dân tại xã Mỹ Lệ áp dụng sản xuất lúa Nàng thơm Chợ Đào theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích gần 52 ha, sản lượng 207 tấn/năm. Hồ sơ xây dựng chỉ dẫn địa lý gạo Nàng thơm Chợ Đào đã được Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận và công báo theo quy định”, PGs.Ts. Võ Công Thành cho biết.
Theo bà Nguyễn Thị Cẩm Vân - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cần Đước, từ khi công trình nghiên cứu của Trường Đại học Cần Thơ chính thức triển khai và chọn lọc ra giống lúa Nàng thơm Chợ Đào siêu nguyên chủng để gieo sạ, huyện Cần Đước đã quy hoạch cắm mốc với diện tích 200 ha để phát triển giống lúa này. Sau khi có sản phẩm tốt, địa phương sẽ tiến hành làm quy trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm).
“Vụ Đông Xuân vừa qua, 100 kg lúa giống nguyên chủng được trồng trên diện tích 2 ha đã cho năng suất khoảng 12 tấn. Số lúa này đang được lưu trữ tại địa phương để ngành chức năng nghiên cứu đánh giá cũng như chuẩn bị mở rộng diện tích gieo trồng cho mùa vụ tiếp theo...”, bà Vân nhấn mạnh.