Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói” đến năm 2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã phối hợp với Bộ Y tế (Viện Dinh dưỡng quốc gia), các chuyên gia và các địa phương triển khai giai đoạn 1 (2019 - 2020). Theo đó, Chương trình đã thí điểm xây dựng 19 mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng để đánh giá, tổng kết, xây dựng chính sách, rà soát lại các quy chế phối hợp nhằm triển khai trên địa bàn 28 tỉnh.
Từ các mô hình “Không còn nạn đói” triển khai hiệu quả ở các địa bàn khó khăn, Bộ NN&sPTNT cùng các bộ, ngành đã hoàn thiện cơ chế chính sách và các tài liệu tập huấn để ban hành. Từ năm 2021, Chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn 2 (2021 - 2025), dự kiến sẽ mở rộng thực hiện trên địa bàn 40 tỉnh.
Theo khẳng định của đại diện Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), Cục sẽ tham mưu lồng ghép những hoạt động của Chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói” vào hệ thống chuyển đổi lương thực, thực phẩm theo hướng “minh bạch, trách nhiệm, bền vững”. Trong đó chú trọng đến hệ thống lương thực, thực phẩm cấp địa phương, nhất là các sản phẩm đặc thù, đặc sản giàu dinh dưỡng, vi chất.
Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với Viện Dinh dưỡng quốc gia xây dựng chương trình hợp tác để cùng nhau xây dựng “Bảng cân đối dinh dưỡng”. Đây sẽ là cơ sở để đánh giá và xác định điểm cân bằng giữa nhu cầu và khả năng đáp ứng về dinh dưỡng, từ đó tìm ra những khoảng cách về dinh dưỡng để có giải pháp thúc đẩy sản xuất, chế biến hoặc là nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu cho Nhân dân.