Với tinh thần không đứng ngoài xu thế, tỉnh Hà Giang đã sớm khởi động các giải pháp ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 du lịch với kỳ vọng tạo ra sức bật mới cho vùng cao nguyên đá, công viên địa chất toàn cầu. Trên tinh thần đó, chính quyền các cấp của huyện Đồng Văn đã chỉ đạo ngành chuyên môn, các xã, thị trấn thường xuyên quảng bá các danh lam thắng cảnh, các điểm du lịch, điểm di tích, di sản, làng văn hóa du lịch cộng đồng trên các trang web, trang thông tin điện tử, các trang mạng xã hội như zalo, facebook của địa phương.
Tại điểm du lịch Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, huyện Đồng Văn đã triển khai ứng dụng công nghệ bán vé điện tử và lắp đặt hệ thống camera an ninh tự động, lắp đặt hệ thống mã QRcode. Tại điểm di tích Phố cổ Đồng Văn cũng đã lắp đặt hệ thống wifi công cộng, đồng thời tích hợp ứng dụng cẩm nang dulịch, trong đó người dùng hệ thống wifi sẽ tự động được nhận được thông tin quảng bá với hình ảnh, thông tin các điểm du lịch, các dịch vụ trên địa bàn huyện. Đặc biệt, để đưa hình ảnh văn hóa các dân tộc của huyện đến với đông đảo du khách, đối với các lễ hội văn hóa như: Hội xuân khèn Mông, lễ hội Khèn Mông, lễ cúng Tổ tiên của người Lô Lô, lễ hội Gầu tào liên tục được truyền thông quảng bá trên các nền tảng số, các kênh sóng truyền hình địa phương.
Bên cạnh đó, nỗ lực ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để thích ứng linh hoạt và duy trì hoạt động du lịch, huyện Đồng Văn đã xây dựng được nhiều sản phẩm du lịch thông minh góp phần đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Các sản phẩm được giới thiệu, quảng bá trên các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội, có truy xuất nguồn gốc, xuất sứ… được đông đảo khách hàng đón nhận.
Huyện cũng triển khai quản lý bằng công nghệ số đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch; số hóa tài liệu tại thư viện huyện; vận động, khuyến khích, hướng dẫn người dân, hộ kinh doanh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt khi mua, bán hàng hóa. Đẩy mạnh các dịch vụ thanh toán trực tuyến qua ví điện tử, thẻ ngân hàng trực tuyến, mã QR… ở tất cả điểm đến du lịch. Hiện, 100% khách du lịch nước ngoài khi tới Đồng Văn đã thực hiện khai báo và được quản lý trên hệ thống.
Anh Sùng Mí Phìn, chủ Chai To homestay, xã Sà Phìn chia sẻ: 90% việc tìm kiếm khách hàng và các dịch vụ của Homestay là thực hiện qua internet như: Đăng ký tạm trú cho khách nội địa được thực hiện trên Cổng thông tin quốc gia; khách nước ngoài thì thực hiện đăng ký trên hệ thống xuất, nhập cảnh của tỉnh. Đồng thời, tôi cũng chủ động tìm kiếm khách hàng qua mạng xã hội, thông qua các kênh như: Facebook, Google, Booking, Agoda, Tiktok … Với quan điểm là sáng tạo nội dung phù hợp với từng kênh, như: Sử dụng Google Map tập trung chia sẻ hình ảnh về homestay; kênh Tiktok làm video chia sẻ về du lịch trải nghiệm. Tôi cũng thường xuyên tham gia các hoạt động kết nối, các lớp tập huấn về kết nối khách hàng để mở rộng quan hệ và tăng khả năng nhận diện homestay với mọi người. Chuyển đổi số du lịch thực sự có hiệu quả cao hơn nhiều so với những cách làm truyền thống trước đây và cũng tạo sự tiện lợi cho cả khách du lịch và chủ kinh doanh.
Ông Trần Đăng Khoa, Chánh Văn phòng Huyện ủy huyện Đồng Văn cho biết: Mặc dù là huyện vùng cao, biên giới, cơ sở hạ tầng để chuyển đổi số du lịch chưa thực sự tốt, do còn nhiều “vùng lõm”, đặc biệt, người dân làm du lịch tại một số thôn, bản chưa thành thạo trong việc sử dụng mạng xã hội, điện thoại thông minh để quảng bá du lịch… Tuy nhiên, du lịch huyện Đồng Văn vẫn đạt được những kết quả rất tích cực. Thời gian tới, để thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trong phát triển du lịch, huyện sẽ tăng cường tuyên truyền, quán triệt các quan điểm, chủ trương về chuyển đổi số trong du lịch đến từng tổ chức, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên và người dân. Từ đó, tạo sự đồng thuận, nhất quán về nhận thức, khuyến khích sự chủ động vào cuộc của người dân, doanh nghiệp trong chuyển đổi số. Đồng thời chỉ đạo chính quyền các cấp phối hợp với ngành chuyên môn chủ động nắm bắt, kịp thời tháo gỡ các vấn đề khó khăn cho người dân trong quá trình thực hiện. Đặc biệt, đẩy mạnh việc mở các lớp tập huấn về chuyển đổi số cho người dân, các chủ nhà hàng, homestay trên địa bàn huyện, nhất là tại các thôn, bản.
Hòa vào “dòng chảy” mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0, du lịch Đồng Văn đã có những bước chuyển động tích cực, bước đầu bắt nhịp với xu thế phát triển chung. Đến nay, nền tảng công nghệ được đầu tư, nguồn nhân lực và các loại hình dịch vụ được số hóa đang mang tới nhiều tiện ích mới cho du khách, góp phần tạo nên những gam màu tươi sáng cho bức tranh chuyển đổi số du lịch của tỉnh.
Năm 2023, huyện Đồng Văn đón gần 800 nghìn lượt khách du lịch (DL) tới trải nghiệm và lưu trú. Trước sự phát triển nhanh chóng, du lịch huyện Đồng Văn đã có sự bắt nhịp kịp thời với sự vận động của DL trong nước và quốc tế. Trong đó, xác định chuyển đổi số là giải pháp, hướng đi tất yếu giúp du lịch tăng tốc bứt phá và phát triển bền vững, huyện đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong các hoạt động du lịch, xúc tiến, quảng bá nhằm đem lại những trải nghiệm mới, tạo môi trường minh bạch và an toàn cho du khách.
.