Điểm tựa phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS
Đồng Văn là huyện vùng cao núi đá, vốn rất khó khăn về đất sản xuất, canh tác, thiếu nước sản xuất, thời tiết khí hậu khắc nghiệt. Vào mùa khô thiếu nước trầm trọng, còn mùa Đông giá buốt, do vậy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cần phải phù hợp với từng vùng, với thổ nhưỡng đất đai. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân còn hạn chế, đồng bào vẫn còn duy trì tập quán canh tác truyền thống, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu tự cung tự cấp, nên năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi chưa cao. Do vậy, việc phát huy vai trò của Người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động, nêu gương là rất quan trọng.
Ông Ly Mí Vàng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đồng Văn cho biết:
Trên địa bàn huyện hiện có 225 Người có uy tín ở 225 thôn, tổ dân phố. Hằng năm, địa phương luôn rà soát lựa chọn đảm bảo đúng quy trình, khách quan theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg, ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về "Tiêu chí lựa chọn, công nhận Người có uy tín và chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS". Nhiều Người có uy tín trên địa bàn huyện chính là nhịp "cầu nối" giữa ý Đảng, lòng dân.
Trong những năm qua, Người có uy tín trên địa bàn huyện Đồng Văn đã cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội đã phát huy tốt vai trò trong công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, nhất là trong phát triển kinh tế, vận động Nhân dân, con cháu, dòng họ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, gắn với cải tạo vườn tạp, phát triến kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững.
Ông Nguyễn Văn Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết: Sau khi rà soát số người đưa ra khỏi danh sách và bổ sung thay thế Người có uy tín, huyện thường xuyên tổ chức gặp mặt và tuyên truyền, phố biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gắn với công tác biểu dương, khen thưởng kịp thời. Sau Hội nghị gặp mặt, hầu hết số Người có uy tín trên địa bàn huyện đều phát huy tốt vai trò của mình trong công tác tuyên truyền, vận động, trước hết tuyên truyền cho con cháu trong gia đình, dòng họ rồi đến Nhân dân trong thôn, xóm.
Điểm nổi bật nhất là trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, sản xuất thâm canh tăng vụ để tăng năng suất cây trồng trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng về mô hình phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại, cho thu nhập bình quân mỗi năm hàng trăm triệu đồng trở lên. Tiêu biểu như hộ gia đình ông Lầu Súa Giàng, thôn Sà Tủng Chứ, xã Sính Lủng với mô hình chăn nuôi tổng hợp với 2,6 ha đất trồng ngô, rau, đậu các loại, thường xuyên duy trì nuôi 5 con bò lai, 11 con lợn vỗ béo... mỗi năm xuất bán 2 lần/năm. Ngoài ra, ông Lầu Súa Giàng còn chăn nuôi gà, vịt, kết hợp với nấu rượu, hằng năm cho thu nhập trên 330 triệu đồng/năm.
Ông Giàng chia sẻ: Nhờ Người có uy tín của thôn đến tuyên truyền, vận động nên gia đình ông mạnh dạn chuyển đổi cách làm ăn phát triển kinh tế, nhờ đó gia đình mới có thu nhập cao như hiện nay. Hay như hộ gia đình ông Sình Dỉ Gai, thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú với mô hình chăn nuôi tổng hợp trên 1,2 ha đất trồng ngô, rau, đậu các loại, trồng 2 ha cây lê, nuôi 4 con lợn nái sinh sản, 50 con gà, vịt… Gia đình ông mở thêm dịch vụ nhà nghỉ Homestay du lịch cộng đồng, tổng thu nhập đạt 208 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, ông Gai còn cùng với Người có uy tín của thôn đến từng hộ gia đình để phổ biến kiến thức, kinh nghiệm cho 10 lao động khác của thôn, giúp đỡ vật tư, kỹ thuật cho 5 hộ và tạo việc làm cho 4 lao động khác để ổn định thu nhập.
Hoặc như hộ gia đình ông Sùng Mí Dũng, thôn Sà Phìn C, xã Sà Phìn với mô hình chăn nuôi tổng hợp 1,8 ha đất trồng trọt, 5 con bò lai, 9 con lợn vỗ béo, 80 con gà, vịt, 80 đàn ong địa phương lấy mật, nấu rượu, với tổng thu nhập trên 400 triệu đồng/năm... Ngoài ra, còn nhiều hộ gia đình tiêu biểu khác trong phát triển kinh tế, nhờ có sự tuyên truyền, vận động tích cực của Người có uy tín.
Người có uy tín góp phần xây dựng nông thôn mới
Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, nhiều Người có uy tín trên địa bàn huyện đã tích cực vận động anh em dòng họ, người thân, Nhân dân hiến hàng nghìn mét vuông đất, đóng góp hàng nghìn ngày công, tiền của cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước để làm đường bê tông, như xây dựng tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp tại các đường làng, ngõ xóm. Trong đó, Người có uy tín Củng Trần Cháng, thôn Chúng Chải, xã Phố Là đã nêu gương và tích cực vận động bà con Nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới nên thôn đã đạt 12/12 tiêu chí nông thôn mới.
Hay như Người có uy tín Vừa Nhía Páo của thôn Tráng Phúng A, xã Phố Cáo đã cùng các đoàn thể của thôn tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện đạt các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới ở thôn. Ngoài ra, ông Páo còn tích cực vận động anh em họ hàng nêu gương trong hiến đất. Kết quả Nhân dân trong thôn đã thực hiện theo và đã hiến được trên 600m để làm đường dân sinh, mở mới được 0,5km đường nông thôn. Thôn Tráng Phúng A đã đạt các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới năm 2023.
Ông Vi Học Lần, Người có uy tín thôn Lán Xì B, xã Phố Cáo đã tuyên truyền Nhân dân trong thôn thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Hằng năm thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế -xã hội, quốc phòng - an ninh, đặc biệt là Chương trình xây dựng nông thôn mới và kết quả đã được huyện công nhận thôn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021. Ông Lần cũng đã vận động Nhân dân thực hiện tốt việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, loại bỏ những hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang, trong đời sống sinh hoạt theo Chỉ thị 09 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Nhờ phát huy tốt vai trò của Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS ở địa phương, toàn huyện đã hoàn thành 8 thôn đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số thôn toàn huyện đạt chuẩn lên 14 thôn; cải tạo được 251 vườn tạp. Đến nay đã hình thành được một số vùng trồng rau chuyên canh như thôn Lùng Lú, thị trấn Đồng Văn; thôn Séo Lủng A, Séo Lủng B, xã Sảng Tủng; thôn Lán Xì B, xã Phố Cáo; thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, vận động được Nhân dân thị trấn Phố Bảng, Phố Là trồng được 17ha cây ăn quả gắn với phát triển du lịch nông nghiệp đặc trưng.
Qua thực tiễn cho thấy, Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS số trên địa bàn huyện Đồng Văn đã trở thành “hạt nhân” nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Để tiếp tục phát huy vai trò của Người có uy tín trên địa bàn huyện, thời gian tới, các cấp, các ngành trong huyện sẽ tiếp tục thường xuyên tuyên truyền, vận động, cung cấp kịp thời, đầy đủ những thông tin liên quan đến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để Người có uy tín nắm vững, vận động Nhân dân thực hiện. Đồng thời triển khai thực hiện đầy đủ chính sách của Nhà nước đối với Người có uy tín; tổ chức gặp mặt và biểu dương kịp thời Người có uy tín trên địa bàn có nhiều đóng góp trong các phong trào thi đua ở địa phương, nhất là trong lĩnh vực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.