Người Mường xưa khi phải đi làm nương, đi rừng xa nhà, họ mang theo ít gạo nếp để phòng khi quá bữa sẽ chặt ống tre tươi cho vào ống tre một ít gạo, một ít nước và nướng ống tre tươi đó trên lửa để tạo thành cơm ăn những khi đói lòng. Giờ đây món ăn đó đã trở thành một đặc sản của vùng núi Tây Bắc.
Nguyên liệu làm cơm lam gồm có gạo nếp (loại nếp cái hoa vàng hay nếp nương), ống tre, nứa hoặc ống hóp được cắt ngắn thành từng đốt có mấu, dài khoảng 20-30cm nhưng phải là loại cây tươi, bánh tẻ, không được già hoặc non quá, vì khi nướng trên lửa ống cơm sẽ bị héo, khô và bị cháy.
Đặc biệt, loại cây bánh tẻ sẽ có nước ở trong từng đốt ống, người ta sử dụng luôn thứ nước đó để nướng cơm thì cơm có vị thơm, ngọt riêng biệt. Gạo được ngâm khoảng 8 - 12 tiếng để cho hạt gạo mềm, dễ chín, sau đó cho vào trong ống rồi nén thật chặt, lấy lõi ngô, lá chuối hoặc mẩu mía nút kín đầu còn lại và đem xếp lên một chiếc kiềng.
Khi nướng phải nướng bằng than củi và xoay đều những ống cơm, nếu thấy mùi thơm từ ống Lam bay ra có nghĩa là cơm đã chín. Sau đó, chẻ bỏ lớp vỏ cứng bên ngoài rồi bóc từng miếng vỏ sao cho vẫn giữ được lớp màng bọc xung quanh, như vậy cơm lam mới thực sự ngon. Cơm có thể ăn với thịt gà, thịt lợn rang băm nhỏ, măng chua… nhưng ngon nhất vẫn là chấm với muối vừng.
Món cơm lam có ở rất nhiều nơi, người Tày, nguời Thái, người Nùng, người Mường… đều có loại cơm này. Tuy nhiên, vùng đất Mường Động (Kim Bôi, Hoà Bình) là nổi tiếng hơn cả vì nơi đây có loại gạo nương thơm, dẻo nổi tiếng.
Cơm lam Hoà Bình không có hạt lạc, hạt đậu nhưng nguyên liệu chọn lựa kỹ càng là gạo nếp nương thơm ngon trộn với nước cốt dừa, chọn ống tre, nứa nhỏ tươi bánh tẻ sau đó nướng trên bếp than hồng. Tất cả các bước sẽ tạo nên “troóng” cơm lam xứ Mường Hòa Bình thơm dẻo gạo nếp nương, quyện với vị ngọt bùi ngậy của cốt dừa và mùi thơm đặc trưng của tre, nứa làm nên một món ăn ngon ít nơi nào có được.